Về việc Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn đòi siết nợ chung cư Hamona vào tháng 6/2016, chủ đầu tư dự án một mặt thừa nhận chậm trả lãi nhưng mặt khác lại cáo buộc ngân hàng đã sai khi tung tin thu hồi nợ trước thời hạn khiến cư dân hoang mang.
Chỉ 3 ngày sau khi chung cư The Hamona (Tân Bình, Tp.HCM) đón nhận thông báo thu hồi tài sản đảm bảo từ ngân hàng, khoảng 600 hộ dân (2000 người) đang rơi vào cảnh ngồi trên đống lửa bởi lo ngại bị mất căn hộ.
Trước những bức xúc của cư dân và lo ngại vụ việc có thể bị đẩy lên mức độ gây rối loạn trật tự trên địa bàn, vào chiều 26/5 vừa qua, UBND P.14, Q.Tân Bình đã triệu tập cuộc họp 3 bên để làm rõ vụ việc.
Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim), ông Nguyễn Huy Hoàng đến dự họp muộn gần 1 giờ đồng hồ, mang theo văn bản chứng minh khoản nợ của chủ đầu tư đã đạt thoả thuận với ngân hàng tất toán ngày 15/6.
Theo như ông Hoàng trình bày, vào năm 2011 Công ty Thanh Niên, Tamexim với BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn đã xác lập một khoản vay và từ đó đến nay doanh nghiệp đều trả nợ đúng hẹn. Đôi bên tồn tại thỏa thuận cam kết thanh toán hết các khoản nợ gốc và lãi trước ngày 15/6/2016 sau đó mới tiến hành giải chấp hết tất cả các khoản nợ.
Chủ đầu tư chung cư Hamona còn nợ ngân hàng BIDV Bắc Sài Gòn 244 tỷ đồng.
Nhưng ngày 24/5/2016, ngân hàng đã gây bất ngờ cho doanh nghiệp khi ban hành công văn thu hồi nợ lan truyền trong cộng đồng cư dân Hamona mà không thông báo trước. Lãnh đạo Tamexim nhấn mạnh: "BIDV yêu cầu bàn giao tài sản đảm bảo như vậy là trái luật và không khả thi".
Sắp tới, công ty sẽ thanh toán hết các khoản nợ vào ngày 15/6/2016 để ngân hàng giải chấp toàn bộ tài sản để đảm bảo lợi ích khách hàng và tiến hành làm sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà) vào ngày 30/6/2016, tránh gây tâm lý hoang mang cho cư dân.
Tuy nhiên, khi bị chất vấn và yêu cầu cung cấp đầy đủ toàn bộ hợp đồng thế chấp tài sản giữa Tamexim và BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn cùng với số dư khoản vay, đại diện chủ đầu tư cho biết: "Tôi không chuẩn bị kịp. Khoản nợ vay rất lớn, vào khoảng 244 tỷ đồng, khoản lãi chỉ trả chậm một vài tháng nay. Sự cố này là do lỗi của BIDV đã đơn phương phát đi văn bản thu hồi tài sản trức thời hạn".
"Chúng tôi chỉ biết văn bản của BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn yêu cầu thu hồi tài sản vào ngày 9/6 tới nhưng phải đến ngày 15/6 doanh nghiệp mới trả nợ. Khi đó, nhà của chúng tôi đã bị thu hồi rồi", đại diện ban quản trị chung cư The Hamona bức xúc chất vấn.
Cách làm việc của chủ đầu tư gây thất vọng rất lớn bởi thường xuyên không có người đủ thẩm quyền đứng ra giải quyết sự việc. Hơn nữa, chủ đầu tư chưa từng thông báo với cư dân về việc đã thế chấp tài sản trước khi bán và hàng nghìn người dân chung cư Hamona đều bị bất ngờ với thông báo của ngân hàng. Đã nhiều lần hứa cấp sổ hồng nhưng vẫn không được thực hiện.
Ông Hoàng thừa nhận bức xúc của cư dân là chính đáng song ông cũng trấn an khách hàng rằng, việc ngân hàng thu hồi tài sản đảm bảo là không khả thi. Chủ đầu tư đã chuẩn bị tiền mặt để tất toán nợ gốc và lãi vay cũng như có trách nhệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, ông Hoàng cam đoan. "Tất cả các trường hợp căn hộ của khách hàng đang thế chấp cũng sẽ được giải chấp vào ngày 15/6 tới".
Ông Trần Sinh Hùng - Phó chủ tịch UBND phường 14 quận Tân Bình cho hay, vụ việc ngân hàng đòi siết chung cư xảy ra trên địa bàn đã gây bức xúc cho hàng trăm hộ dân. Vì vậy, để giải toả những băn khoăn chính đáng của cộng đồng cư dân, chủ đầu tư có nghĩa vụ yêu cầu ngân hàng thu hồi văn bản siết nợ chung cư The Hamona, tránh gây rối loạn trật tự.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải cung cấp toàn bộ hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của dự án The Hamona trước ngày 29/5/2016. Tamexim cần nhanh chóng cử đại diện của ban giám đốc trực tiếp xin lỗi cư dân kèm theo thư xin lỗi công khai tại chung cư.
Ông Hùng khẳng định: "Các hoạt động của doanh nghiệp và ngân hàng dù diễn ra trong bất cứ tình huống nào cũng không thể đẩy người dân ra khỏi nhà, để tránh gây ảnh hưởng xấu cho cộng đồng và xã hội".
Vào ngày 25/5 vừa qua, UBND Quận Tân Bình cũng đã gửi văn bản khẩn đến Công an, UBND phường 14, Phòng quản lý đô thị yêu cầu giám sát diễn biến phức tạp tại chung cư The Hamona. Chỉ đạo UBND phường 14 phải phối hợp cùng Công ty Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình, BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn tạm thời chưa bàn giao các tài sản đảm bảo là căn hộ có người đang cư ngụ. Đồng thời, giao dịch dân sự của ngân hàng và doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn thủ tục khởi kiện thu hồi tài sản đảm bảo theo trình tự pháp luật.
Bàn về vụ việc trên, ông Nguyễn Sa Linh - Trưởng văn phòng Luật sư Gia Linh cho hay, bài toán thu hồi tài sản đảm bảo, siết nợ tòa nhà Hamona chỉ được giải đáp rõ ràng khi các bên trong cuộc xuất trình hợp đồng thế chấp.
Theo phân tích của Luật sư Linh, khi thế chấp tài sản hình thành trong tương lai (căn hộ), thông thường số tiền mua nhà của khách hàng trả cho chủ đầu tư sẽ chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư tại ngân hàng nhận thế chấp và ngân hàng quản lý số tiền này. Theo đó, ngân hàng sẽ giải chấp căn hộ khi người mua thanh toán tiền mua nhà. Trường hợp người mua vay ngân hàng để mua nhà thì sẽ thế chấp lại bằng chính căn hộ mình mua. Rất khó để chủ đầu tư bán nhà đã thế chấp khi không được ngân hàng chấp thuận.
Ông Linh nhấn mạnh: "Luật không cho phép cưỡng chế nhà dân mà không có án tòa. Người dân không nợ nần gì ngân hàng, do đó việc đuổi dân ra khỏi căn nhà mua hợp pháp là chuyện khó có thể chấp nhận. Người mua nhà hợp pháp phải được pháp luật bảo vệ trong mọi trường hợp".
(Vnexpress)