. Thị trường bất động sản ở Việt. Nam bên bờ vực sụp đổ. Một trong những lý do không thể gượng dậy như. mong đợi của cả nhà cầm quyền lẫn doanh giới là “phí bôi trơn” quá lớn..
Một trong những dự án bất động sản bị bỏ hoang ở Hà Nội. Những
dự án bất động sản ở Việt Nam cung cấp cho “nền kinh tế ngầm” khỏang 27
tỷ USD qua các hành động “bôi trơn”. (Hình: Hoàng Đình Nam) |
Hồi đầu năm nay, dựa trên một số báo cáo của các sàn giao dịch bất động
sản ở Hà Nội và Sài Gòn, người ta loan báo, ít nhất, riêng hai thành phố
này tại Việt Nam đã có 42,000 căn nhà (gồm 26,000 căn hộ và 16,000 nhà
thấp tầng) tồn đọng. Đa số là xây dở dang rồi để cho cỏ dại mọc.
Các con số vừa nêu chưa kể có 92,000 mét vuông văn phòng cho thuê,
98,000 mét vuông trung tâm thương mại, 8 triệu mét vuông đất nền, 2
triệu mét vuông đất thương mại bị bất động. Tống lượng vốn tồn kho ít
nhất cũng khoảng 112,000 tỷ đồng.
Sau đó vài tháng, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Xây dựng, thú thật, giá
bất động sản ở Việt Nam đã giảm khoảng 50% so với giai đoạn 2008-2010.
Tháng trước, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành ở
Sài Gòn, nhân vật vẫn được xem là rất am tường về thị trường bất động
sản Việt Nam, khẳng định với tờ Đất Việt rằng, các nỗ lực ứng cứu thị
trường bất động sản của nhà cầm quyền Hà Nội đã thất bại. Các doanh
nghiệp bất động sản sẽ “chết chùm.”
Doanh nghiệp bất động sản chết sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp liên đới
như: nhà thầu, sàn bán sản phẩm, doanh nghiệp liên kết, liên doanh chết
theo. Một dự án đổ vỡ sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp liên can chết. Vài
doanh nghiệp liên can chết sẽ kéo thêm hàng chục doanh nghiệp khác “chết
thành từng chùm, từng chùm, giống như… bom bi nổ”.
Chưa kể các doanh nghiệp bất động sản chết sẽ kéo theo ngân hàng chết,
nhà đầu tư thứ cấp chết, khách hàng chết, theo sau là những rắc rối về
an ninh, trật tự xã hội. Dân chúng biểu tình vì quyền lợi bị thiệt hại,
hậu quả rất khó lường.
Vì sao các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam không thể gượng dậy? Tờ
Tầm Nhìn lý giải: Vì “phí bôi trơn” quá lớn. Tờ báo này cho biết, nhiều
nhà đầu tư kể rằng “phí bôi trơn” chiếm khoảng 25% đến 30% tổng chi phí.
Ông Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Tài nguyên – Môi trường, xác nhận, chi
phí thật cho dự án luôn bị phủ bởi yếu tố mập mờ và chỉ nhà đầu tư mới
biết là bao nhiêu. Ông Cao Sỹ Kiêm, cựu Thống đốc Ngân hàng, nhận định,
trong chi phí cho xây dựng cơ bản, “phí bôi trơn” không nhỏ, khi “bôi
trơn” xong người ta phải đưa vào giá thành, giá bán nhà, người tiêu dùng
phải chịu.
Với tình hình hiện nay, khi thu nhập, khả năng tài chính như thế và với
mức giá như vậy, dân không thể mua được nhà nên lượng nhà tồn đọng lớn.
“Phí bôi trơn” đang tạo ra tai họa cho thị trường bất động sản và toàn
xã hội.
Sau bài viết vừa kể của tờ Tầm Nhìn, ông Alan Phan, một tiến sĩ kinh tế,
đề cập đến dạng thức khác của “phí bôi trơn”. Đó là “nền kinh tế ngầm”.
Ông Alan nhận định, theo Tổng cục thống kê, trong mười năm qua, đầu tư
nước ngoài vào bất động sản là khoảng 60 tỷ USD. Đầu tư của giới đầu tư
tại Việt Nam chiếm khoảng 45 tỷ USD. Tỷ lệ “phí bôi trơn” trong lĩnh vực
bất động sản từ 25% đến 30% tương đương 27 tỷ USD. Khỏan tiền khổng lồ
này là một trong những nhân tố tạo ra “nền kinh tế ngầm” ở Việt Nam. Đó
cũng là lý do khiến thế giới đặt Việt Nam vào nhóm quốc gia có số lượng
rửa tiền cao nhất thế giới.
Tiến sĩ Alan Phan khẳng định, “phí bôi trơn” không chỉ giới hạn ở các dự
án bất động sản. Ông này ước tính, khoản “phí bôi trơn” để làm ngơ cho
lâm tặc phá rừng tại Việt Nam, ít nhất cũng đem lại cho “nền kinh tế
ngầm” khoảng 20 tỷ USD.
Đó là chưa kể “phí bôi trơn” cho các lĩnh vực khác như: xây cất cầu
đường, khai thác khoáng sản, lọc dầu, luyện thép, làm xi măng, phân bón…
Khi “phí bôi trơn” bao phủ tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, từ công
nghiệp, nông nghiệp, tới dịch vụ và mọi doanh nghiệp bất kể quy mô, kể
cả những gánh hàng rong đều phải gánh thứ “thuế” vô hình này thì giá
thành của mọi loại sản phẩm, dịch vụ sẽ tăng, và khả năng cạnh tranh sẽ
giảm.
Một vài chuyên gia ước đoán, giao dịch trong “nền kinh tế ngầm” hiện
chiếm khoảng 50% GDP Việt Nam, tương đương chừng 60 tỷ USD. Do cần
phải che giấu bản chất, dòng tiền này thường dồn vào những phi vụ mang
tính chụp giựt, khiến bản sắc của nền kinh tế trong nhiều lĩnh vực (như:
vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản,…) thay đổi.
Mặt khác, việc chuyển các khối tiền lớn của nền kinh tế ngầm ra nước
ngoài để tìm sự an toàn về lâu dài còn làm xuất huyết vốn luân chuyển
trong nước.
Ông Alan Phan nhận định, “nền kinh tế ngầm” là biểu hiện của tất cả
những gì không minh bạch và một nền kinh tế chính trị không minh bạch là
rào cản lớn nhất cho mọi tiến bộ của xã hội.”
Theo Người Việt
(Nguồn sưu tầm)