Thông tin thị trường

Tp.HCM: Xu hướng mua lại và làm "hồi sinh" dự án

29/08/2014 - 05:11

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản Tp.HCM chứng kiến khá nhiều thương vụ mua bán, hợp nhất các dự án bất động sản, như một xu hướng mới của thị trường. Trong đó, lợi thế của cuộc chơi đang thuộc về các doanh nghiệp có năng lực thực sự..


Những dự án thay tên, đổi chủ


Mới đây là thương vụ Tập đoàn Đất Xanh mua lại Dự án Water Garden (khu dân cư phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Tp.HCM) từ CTCP Phát triển hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương (PPI). Water Garden có quy mô diện tích gần 2,1 héc-ta, nằm sát bên sông Sài Gòn, từng được PPI đặt tham vọng sẽ chi ra 1.275 tỷ đồng để phát triển thành khu phức hợp với các hạng mục như căn hộ cao cấp, khu thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính từ đầu năm 2013, PPI không đủ sức tự triển khai và phải kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác triển khai hoặc chuyển nhượng lại dự án.


Sau hơn 1 năm “mang con” rao bán, cuối cùng, dự án về với Đất Xanh với giá chỉ hơn 80 tỷ đồng. Điều đáng nói, dự án này trước đây từng được PPI rao giá đến 280 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng ở quận Thủ Đức, Đất Xanh đã mua thành công 2 dự án là Sài Gòn Water Garden và dự án của Công ty Savico với tên gọi mới là Sunview Town hiện đang được xây dựng.

88
Ảnh minh họa


Trước đó, Tập đoàn Novaland cho biết, đã chi 3.000 tỷ đồng để mua và hợp tác triển khai 3 dự án bất động sản tại Tp.HCM. Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, những dự án mà Novaland mua lại phần lớn đều có vị trí đắc địa, nhưng chủ cũ của dự án rơi vào tình trạng “đói” vốn, không thể tiếp tục thực hiện dự án, như Dự án Khu căn hộ thương mại Icon 56 và Dự án số 9 Nguyễn Khoái do Công ty Cao su miền Nam làm chủ đầu tư…


Tập đoàn Hưng Thịnh cũng vừa quyết định bơm tiền vào Dự án Thái An 6 (quận 12) do Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành làm chủ đầu để hợp tác đầu tư. Dự án này cũng từng “đắp chiếu” một thời gian, hiện đang được khẩn trương xây dựng và tiếp tục chào bán trở lại thị trường.


“Doping” cho thị trường


Thực tế, xu hướng mua lại dự án, liên doanh liên kết để làm hồi sinh dự án không chỉ diễn ra mới đây, mà từ năm 2013, xu hướng này đã bắt đầu xuất hiện.


Trong năm 2013, Công ty Địa ốc Hoàng Quân (HQC) đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp địa ốc để thay tên đổi chủ hàng loạt dự án. Đơn cử như bắt tay với Công ty Võ Đình để làm sống lại Dự án Võ Đình Apartment trên đường Lê Văn Khương (quận 12, Tp.HCM), sau đó đổi tên thành Cheery 2, hay cùng với CTCP Thương mại Hóc Môn để “làm mới” Dự án Trung tâm Thương mại Hóc Môn tại huyện Hóc Môn và đổi tên thành Cheery 3.


Cũng với hình thức “săn” dự án trùm mền để hợp tác đầu tư, Tập đoàn Hưng Thịnh đã làm sống lại nhiều dự án, như Dự án căn hộ 27 - Trường Chinh (quận 12, Tp.HCM); 26 Nguyễn Thượng Hiền (Gò Vấp); Tân Hương Tower... Theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, chính từ những cuộc “lột xác” này đã làm cho nhiều dự án “chết đi sống lại” và trở thành liều “doping” tăng tính thanh khoản cho thị trường.


Khảo sát tại những dự án đã được hồi sinh như Sunview Town, 27 Trường Chinh hay các dự án Cheery 2, 3, 4 của Hoàng Quân..., sau khi thay tên đổi chủ đều có kết quả bán hàng tốt, do đảm bảo được tiến độ triển khai dự án.


Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc thay tên đổi họ của dự án nhằm tạo tâm lý tiếp cận mới cho khách hàng cũng quan trọng, nhưng vấn đề mấu chốt để dự án bán được hàng xuất phát từ sự hợp tác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng của dự án, cũng như chứng minh cho khách hàng thấy được năng lực để thực hiện dự án của chủ đầu tư.


Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, hình thức doanh nghiệp có vốn mua lại dự án của doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc cùng nhau liên kết đầu tư là hoạt động mang tính nhân văn, bởi việc mua lại này không đơn thuần là làm sống lại dự án, tạo sự sôi động cho thị trường, mà còn giải quyết được công ăn việc làm của nhiều người lao động.


Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM nhìn nhận, trong điều kiện thị trường còn khá nhiều khó khăn, bản thân doanh nghiệp phải tự tìm cho mình hướng đi phù hợp để tồn tại và phát triển. hoặc phải chấp nhận cởi bỏ gánh nặng trên lưng.


Ông Châu cho rằng: “Với tình thế hiện nay, trong các giải pháp, việc các doanh nghiệp địa ốc liên doanh, liên kết để tập trung nguồn lực, tận dụng thế mạnh của mỗi doanh nghiệp là rất quan trọng giúp thị trường phát triển”.


Theo VIR

(Nguồn sưu tầm)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm