Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Hữu Tín, các quận - huyện đã có những giải pháp cụ thể nhằm xóa quy hoạch treo, dự án treo, nhưng đi đầu là điều chỉnh, sửa đổi quy định về diện tích tối thiểu khi tách thửa..
Lâu nay, quy định diện tích tối thiểu khi tách thửa và các quy hoạch, dự án treo đã gây nhiều khó khăn cho người dân. Do đó, khi quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa được sửa đổi đã khiến người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, niềm hân hoan của người dân đã rõ nhưng những bất cập cũng bắt đầu lộ diện.
Người dân phấn khởi
Ông Nguyễn Thành Phong và bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh đã được UBND quận Thủ Đức cho phép đầu tư làm đường nội bộ trên khu đất trên 2.000m² tại khu phố 2 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức). Đây là loại đất trồng cây lâu năm.
Theo văn bản 873/UBND ngày 18/3/2014, quận đã chấp thuận chủ trương cho phép làm đường bê tông nhựa rộng 4m, hệ thống thoát nước để có cơ sở tách thửa. Cạnh đó, khu đất của ông Nguyễn Lê Phương Anh và bà Nguyễn Thị Chúc cũng được UBND quận Thủ Đức ra văn bản 1108/UBND thỏa thuận tổng mặt bằng khu đất rộng trên 3.000m², để chuyển mục đích làm nhà ở, tách thửa.
Một khu dự án chia lô bán nền làm nhà ở hình thành bên đường Lò Lu
Với sự linh động này, dự án nhà ở đã được hình thành. Hiện nay các chủ đất đang tiến hành thi công đường giao thông, hệ thống thoát nước. Khu dự án nhà ở có quy mô 69 nền nhà, diện tích mỗi lô khoảng 50 - 60m². Mặc dù dự án đang trong giai đoạn san ủi, làm đường nhưng chủ đất đã rao bán rộng rãi để làm nhà ở.
Được biết, trên địa bàn quận Thủ Đức có nhiều khu đất đang được tách thửa, chia lô để làm nhà ở như vậy.
Sang quận 9, việc các gia đình xin phép để tách thửa, chia lô bán nền càng nhiều hơn. Nằm ven đường Nguyễn Xiển, Lò Lu, là những khu đất chia lô đang triển khai thực hiện. Việc “cởi trói” của chính quyền về thủ tục tách thửa đã góp phần làm thị trường địa ốc chuyển động. Có dự án đang trong giai đoạn đổ đất san lấp mặt bằng, nơi đã làm xong hạ tầng, đường sá. Dự án chia lô trên đường Lò Lu (phường Trường Thạnh, quận 9) đã làm xong con đường nhựa chia đôi khu đất, mốc phân chia các lô đã cắm đều. Ngay đầu đường 2 căn cấp 4, với diện tích xây dựng chừng 40m², đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Hiện nay tại các quận - huyện vùng ven trên địa bàn Tp.HCM có nhiều khu đất được tách thửa, với hàng trăm nền đất đã được chia tách để làm nhà ở. Các quận - huyện cho phép người dân tách thửa để làm nhà ở, đã tháo được nút thắt về nhà đất các quận - huyện vùng ven vốn bế tắc nhiều năm nay.
Bóng dáng phân lô hộ lẻ tái hiện
Các quận - huyện “sáng tạo” cho người dân tách thửa bằng cách cho đầu tư làm đường nội bộ, thỏa thuận mặt bằng tổng thể… đã góp phần giải quyết được nhu cầu về nhà ở cho người dân. Cách làm mới đã phá vỡ những quy định trước đây về diện tích tối thiểu khu tách thửa, vốn làm đóng băng quyền lợi chính đáng của người dân. Người dân được phép chia nhỏ khu đất thành những lô nhỏ cho con cái trong gia đình, cũng như bán cho những người có nhu cầu về nhà ở.
Đây là một quyết định tích cực. Những điều lợi mang đến cho người dân đã thấy rõ, nhưng cũng xuất hiện các vấn đề bất cập cần phải quan tâm giải quyết.
Các khu đất phân lô có quy mô của một dự án, nhưng thực tế là chủ đất tự tách thửa, chia nền. Chính vì thế, các văn bản chấp thuận của chính quyền chỉ nặng về thủ tục tách thửa phân lô, còn các công trình hạ tầng, diện tích đất dành cho công viên, cây xanh không được quan tâm đúng mức.
Qua thực tế các dự án đang thực hiện cho thấy dự án nhà ở này chỉ có đường giao thông nội bộ nhỏ, chứ không có đất dành cho công viên, cây xanh. Tại khu nhà ở phường Hiệp Bình Phước được chia làm 69 lô và trong lương lai sẽ có 69 căn nhà. Thế nhưng, quỹ đất dành cho công trình công viên, cây xanh hay điểm sinh hoạt chung đều không có.
Các khu dân cư hình thành trên cơ sở người dân tự tách thửa. Người dân cũng là chủ đầu tư, trực tiếp xây dựng hạ tầng. Có một thực tế, do việc thiếu kiểm tra thường xuyên nên chất lượng các công trình đường sá, cống ngầm thoát nước chưa cao. Theo ghi nhận, tại khu dân cư trên đường Lò Lu vừa mới thi công xong hạ tầng, nhưng đã thấy dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Cơn mưa đầu mùa đã làm sụt mặt bê tông nhựa, lộ ra cống thoát nước.
Các quận - huyện linh hoạt trong việc chia tách thửa cho người dân có điều kiện làm nhà ở là đáng hoan nghênh, cần khích lệ. Tuy nhiên, cách làm cũng như kiểu quản lý của các địa phương hiện nay đã nảy sinh nhiều bất cập. Người dân có nhà ở trước mắt, nhưng về lâu dài phải gánh hậu quả khi sống trong khu dân cư mà lô nhà ở quá nhỏ và trắng công viên, cây xanh, thiếu hạ tầng. Bóng dáng về những khu dân cư phân lô hộ lẻ, trắng hạ tầng mà Tp.HCM thực hiện hơn 10 năm về trước đang hiện về.
Theo SGGP
(Nguồn sưu tầm)