Trong quá trình phát triển của Tp
Thu nhập giảm sút
Ông Trần Văn Thận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM (HIDS) cho biết, theo kết quả điều tra xã hội học của viện thực hiện tại 8 quận, huyện với 498 hộ mẫu, cuộc sống người dân sau TĐC phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, đặc biệt là trong vấn đề tìm việc làm, thu nhập, điều kiện nhà ở.
Chung cư tái định cư ở Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) quá xa
khu vực trung tâm thành phố.
Theo đó, khảo sát 1.923 người từ 15 tuổi trở lên thì có 1.089 người có việc làm, chiếm tỷ lệ gần 57% và 834 người không có việc làm, chiếm hơn 43%. Đáng lưu ý, trong số những người có việc làm thì chỉ có gần 24% được đào tạo nghề và có đến hơn 76% số còn lại chưa được đào tạo để có một chuyên môn nào đó. Tự đánh giá việc làm, đa phần người dân đánh giá là không thay đổi (hơn 77%), 9% người dân cho rằng cải thiện hơn nhưng có 14% đánh giá là giảm sút. Nguyên nhân giảm sút là do việc di dời chỗ ở.
Về thu nhập bình quân hằng tháng, 14% người được khảo sát cho rằng thu nhập sau khi TĐC có cải thiện hơn, 57% cho rằng thu nhập không tăng lên và 29% cho rằng giảm sút. Đáng lưu ý, phần lớn ý kiến cho rằng thu nhập tăng lên là do nhận tiền đền bù phù hợp nên có khoản tiền lớn để trang trải cuộc sống. "57% cho rằng thu nhập không tăng lên là kết quả đáng lưu ý bởi khi thu nhập có chiều hướng giữ nguyên, thậm chí giảm xuống thì khả năng thích ứng với biến động chỗ ở, biến động môi trường sống sẽ gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là với phần lớn người dân TĐC có trình độ học vấn không cao, lao động trong các ngành nghề tự do, bấp bênh", ông Trần Văn Thận nhấn mạnh. Ông Thận nhận định, thực tế đa số người dân TĐC vẫn đi về nơi cũ làm các nghề thu nhập giản đơn để bảo đảm thu nhập nên cần đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết công ăn, việc làm cho người dân để họ ổn định cuộc sống.
Quỹ nhà tái định cư còn chậm
Khảo sát cũng cho thấy chỉ có 3,6% số hộ định cư trên nền nhà hoặc được bố trí chung cư TĐC của dự án; hơn 46% có nhà riêng và 44% còn lại là ở nhà thuê, mượn… Ông Hứa Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 2, địa phương có nhiều người dân di dời cũng cho biết, công tác chuẩn bị quỹ nhà TĐC còn chậm, không đồng bộ với tiến độ thu hồi đất. Chính vì vậy phải xây dựng và sửa chữa quỹ nhà tạm cư cho người dân ở trong thời gian chờ bố trí nền đất, căn hộ TĐC, dẫn đến tình trạng tạm cư kéo dài. Mặt khác, nhiều khu TĐC đã đưa vào sử dụng nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các thiết chế về văn hóa, y tế chưa được kết nối nên người dân cũng không chịu dọn về đây để sống.
Theo ông Trần Văn Thận, để làm tốt công tác TĐC thì phải nắm được nhu cầu, nguyện vọng của người dân và trên cơ sở đó sắp xếp nơi ở TĐC phù hợp. Nguyện vọng của người dân TĐC luôn là TĐC tại chỗ để thuận tiện cho việc ổn định cuộc sống, thu nhập, đi lại, học hành. Trong khi đó, đa phần việc bố trí TĐC quá xa chỗ cũ như các hộ dân ở quận 1, 5, 6, 7, 8… được bố trí về các chung cư TĐC ở Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), chung cư An Sương (quận 12) khiến cuộc sống của họ có nhiều xáo trộn.
Theo ông Trần Văn Thận, một vấn đề khá quan trọng khi thực hiện khảo sát cho thấy, đối với người dân có đất thu hồi trước năm 2010, Nhà nước thực hiện chính sách bố trí nhà TĐC thì chất lượng nhà ở được cải thiện hơn so với trước. Tuy nhiên, khi Nhà nước đền bù theo giá thị trường và để người dân tự quyết định lựa chọn nhà ở thì điều kiện nhà ở lại giảm sút. Lý do là một số hộ dân diện tích được bồi thường nhỏ nên không đủ tiền mua nhà mới khang trang hơn hoặc một số hộ dân sử dụng tiền đền bù vào mục đích khác. Vì vậy, chính sách đền bù theo giá thị trường có lợi cho người dân nhưng cũng cần xem xét và đánh giá từng đối tượng để định hướng; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho người dân được tiếp cận với nhà ở tốt hơn.
Theo HNM
(Nguồn sưu tầm)