Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, TP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 572 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 528 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2019.
Cùng với đó, có thêm 137 lượt dự án đăng ký thêm vốn với số vốn đăng ký thêm là 285 triệu USD và 2.209 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn 2,27 tỉ USD, tăng 31,8% theo năm.
Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của các doanh nghiệp nước ngoài vào TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 3 tỉ USD. Trong đó, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đứng đầu về vốn đăng ký với 225,9 triệu USD đến từ 26 dự án, chiếm 42,7% tổng vốn dự án được cấp phép mới trên địa bàn TP. Các lĩnh vực như hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; ngành thương nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo… lần lượt chiếm giữ các vị trí tiếp theo trong danh sách thu hút nguồn vốn FDI.
|
TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 572 dự án bất động sản có vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2019. |
Cùng với các dự án được cấp phép mới, có 73 dự án tại đô thị hơn 10 triệu dân này đã chuyển về tỉnh, thành khác hoặc giải thể và rút phép trước thời hạn với tổng vốn đầu tư 77,2 triệu USD trong 6 tháng năm 2019.
Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản TP.HCM đang giảm mạnh cả về nguồn cung dự án lẫn nguồn cung sản phẩm nhà ở, đặc biệt là loại hình căn hộ thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới trên địa bàn được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ trương đầu tư trong nửa đầu năm 2019, giảm 16 dự án theo năm; số dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai chỉ nằm ở con số 24 với 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án so với năm 2018… Số lượng dự án thuộc phân khúc căn hộ cao cấp, căn hộ bình dân cũng giảm mạnh theo năm.
Tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm được tổ chức bởi Cục Thống kê TP.HCM mới đây, vấn đề vì sao đứng đầu danh sách thu hút nguồn vốn ngoại của TP nhưng số lượng dự án bất động sản lại sụt giảm mạnh, nguồn cung suy giảm đã được nhiều người đặt ra.
Trả lời những ý kiến thắc mắc trên, lãnh đạo Cục Thống kê TP cho hay, vốn là lĩnh vực đặc thù nên từ khi đăng ký cấp phép cho đến lúc được cấp giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án bất động sản cần khá nhiều thời gian, thậm chí mất tới vài năm… Vậy nên, từ thời điểm vốn ngoại đổ vào bất động sản cho đến khi dự án được triển khai cần phải có độ trễ nhất định và hoàn toàn không mâu thuẫn với thực tế thị trường đang giảm mạnh về quy mô cũng như nguồn cung như hiện nay.
(Người lao động)