Theo báo cáo về thị trường tài chính năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, hàng loạt chỉ số về thị trường bất động sản (BĐS) năm qua.
Trong năm 2017, giá BĐS không nhiều biến động. Giá tăng nhiều ở loại hình BĐS trung - cao cấp. Trong khu vực nội đô tại một số dự án căn hộ trung - cao cấp vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư uy tín, tiến độ thi công tốt, có chính sách bán hàng và khuyến mại hấp dẫn, giá nhà ở tăng từ 3 - 10% trong năm 2017.
Đặc biệt, loại hình căn hộ cao cấp tăng nhanh nhất, với mức tăng từ 7 - 10%, loại hình căn hộ trung cấp tăng từ 5 - 7% và tăng nhẹ nhất với mức tăng từ 3 - 5% là loại hình nhà ở bình dân.
Biểu đồ thể hiện tồn kho BĐS năm 2017
So với cùng kỳ, lượng giao dịch tăng khá, trong đó, phân khúc trung và cao cấp có lượng giao dịch tốt nhất. Số lượng giao dịch thàch công ước đạt 68.000 căn, với tỷ lệ hấp thụ thị trường trung bình đạt khoảng hơn 50%.
Tồn kho BĐS của cả nước còn khoảng 25.700 tỷ đồng, giảm 17% so với tháng 12/2016. Hà Nội và Tp.HCM là hai thành phố có giá trị tồn kho BĐS lớn nhất, chiếm tới 40% tổng lượng tồn kho của cả nước.
Nguồn vốn chảy vào khu vực BĐS tiếp tục xu hướng tăng. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI vào bất động sản trong 11 tháng đầu năm 2017 đạt 2,5 tỷ USD, đứng thứ 3 về lĩnh vực thu hút vốn FDI, chiếm 7,6% tổng vốn vào Việt Nam. Vốn FDI vào BĐS tăng 54,8 so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh BĐS và xây dựng giảm nhẹ trong năm 2017. Tỷ trọng tính dụng vào lĩnh vực này chiếm 15,8% trong tổng tín dụng. Trong đó vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,9%, vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,9%.
(VnEconomy)