Theo trang Asia Asset Management dẫn thông tin từ tờ Korea Economic Daily cho biết, Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority (QIA) của quốc gia Qatar đang cạnh tranh với ngân hàng Goldman Sachs nhằm mua lại tòa tháp Keangnam Landmark 72.
Trị giá của tòa tháp cao nhất Việt Nam với 72 tầng ước tính ở mức hơn 1 tỷ USD
Theo đó, ước tính trị giá của tòa tháp cao nhất Việt Nam với 72 tầng sẽ ở mức hơn 1 tỷ USD. Mặc dù vậy, công trình được khánh thành năm 2010 này có một lịch sử “nhiều vấn đề”.
Trước đây 1 tháng, chủ đầu tư tòa tháp, ông Sung Wan-jong, cựu Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hàn Quốc Keangnam Enterprises, đã tự tử trong khi nhà chức trách đang tiến hành cuộc điều tra nhằm vào các giao dịch sai trái của tập đoàn này với những chính trị gia Hàn Quốc.
Cùng với đó, công ty vận hành tòa tháp Keangnam cũng đang bị tình nghi có dính líu đến việc thao túng sổ sách kế toán để che giấu các khoản nợ khổng lồ trong thời gian xây dựng.
Theo kế hoạch chào mua Keangnam Landmark 72 được Goldman Sachs đưa ra, ngân hàng này sẽ tiếp quản số nợ vay nhằm đầu tư dự án với khoảng 900 triệu USD, cùng với đó thành lập một công ty mới với mục đích tiếp quản tòa tháp với tư cách là cổ đông lớn nhất.
Trong trường hợp đó, QIA đề xuất mua lại toàn bộ tòa tháp với số tiền là 800 triệu USD để nắm quyền sở hữu dài hạn.
Theo thông tin mới nhất, Goldman Sachs và QIA đã gửi kế hoạch chào mua Keangnam Landmark 72 tới văn phòng ở New York của Colliers Internationals. Đây là công ty môi giới bất động sản chịu trách nhiệm chính về rao bán tòa tháp này.
Ttheo tờ Korea Times, một loạt dự án xây dựng của Keangnam Enterprises tại Việt Nam, Sri Lanka, Ethiopia, và Algeria hiện đang có nguy cơ đổ vỡ ngay sau khi tập đoàn này bị rút niêm yết khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc vào tháng trước bởi mức thua lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, tại Việt Nam, Keangnam Enterprises còn đang tham gia vào một dự án thoát nước ở Việt Trì.
(Vneconomy)