Trong bối cảnh sốt đất năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tình trạng tách thửa, phân lô bán nền đã diễn ra ồ ạt tại Phú Quốc. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang buộc phải ra lệnh tạm ngưng phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng nhằm hạ nhiệt cơn sốt đất.
Phóng viên Dân trí đã trở lại huyện đảo Phú Quốc trong những ngày đầu tháng 3/2019. Tình hình mua bán đất đai nơi đây hiện đã trầm lắng, không còn sốt hừng hực như trước. Những câu chuyện bàn tán về việc mua bán đất chục tỷ, trăm tỷ không còn xuất hiện tại các quán ăn, quán cà phê, bến tàu...
Đồng thời, cánh tài xế taxi cũng không còn hỏi khách những câu liên quan tới việc mua bán đất; không còn nghe những câu chuyện băng nhóm bảo kê đất đai thanh toán nhau như trên phim. Những lán trại của cò đất hoặc nhân viên các công ty môi giới địa ốc lập chốt tiếp thị khách ngay cạnh đường đi cũng không còn xuất hiện.
Trong những tháng đầu năm 2018, tình trạng tách thửa, phân lô
đất nông nghiệp diễn ra ồ ạt tại Phú Quốc.
"Đất hết sốt rồi. Mà làm sao đất còn sốt được nữa khi ông Chủ tịch huyện Phú Quốc không cho người dân tách thửa, phân lô bán nền?", một bác tài xế taxi cho biết khi được hỏi về cơn sốt đất thời gian qua.
Vị tài xế này cho biết, trong cơn sốt đất trước đó, anh đưa khách đi xem và mua đất từ 2-5 chuyến/ngày, mỗi chuyến 200.000-2.000.000 đồng. Đặc biệt, khách sẽ cho thêm khoảng 1-2 triệu đồng nếu họ mua được đất đẹp.
Nhiều khu đất phân lô giảm giá tới 30-50% nhưng vẫn không có khách mua.
Một môi giới nhà đất có tiếng tại Phú Quốc, chị Hiền cho hay: "Từ ngày lệnh cấm tách thửa, tình hình giá đất giảm từ 10-50% (tùy loại đất). Nhất là các loại đất phân lô, bán nền (cây lâu năm) hạ đến 50% vẫn không khách mua. Còn loại bán đất công (1.000m2) thì bị vướng tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất nên thị trường trầm lắng. Bởi thế, dân cò đất đói mấy tháng qua".
Trong khi đó, ông H. ở xã Bãi Thơm bức xúc chia sẻ: "Tôi và hai người bạn hùn tiền mua một mảnh đất hơn 500m2. Khi bọn tôi chưa kịp làm thủ tục tách thửa, chuyển tên thì lệnh tạm dựng tách thửa có hiệu lực. Điều khốn khổ xảy ra là khu đất dính quy hoạch, chủ đất nhận tiền đền bù mà chẳng đả động gì đến bọn tôi. Hiện tôi đã làm đơn gửi cho chính quyền địa phương xử lí nhưng vẫn chưa có kết quả gì".
Các phòng công chứng ở Phú Quốc không còn đông kín người như trước.
Một chuyên gia về đầu tư nhà đất tại Phú Quốc nhận định, cơn sốt đất đã hạ nhiệt bởi lệnh tạm ngưng tách thửa. Thế nhưng, một số hộ dân lại tỏ ra bức xúc bởi không chuyển được mục đích sử dụng đất hoặc muốn sang bán, cho con cái đều không thực hiện được. Xét về cơ sở pháp lý, chính quyền tỉnh Kiên Giang nên xem xét lại việc này.
Bàn về việc lệnh tạm ngưng tách thửa khi nào được "xả trạm", ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc thông tin, vấn đề này huyện chưa nhận được ý kiến chỉ tạo từ Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kiên Giang. Thế nhưng, với các trường hợp đặc biệt, người dân có nhu cầu tách thửa đất dưới 500m2, huyện sẽ kiểm tra, trình Chủ tịch UBND tỉnh xin ý kiến giải quyết.
(Dân trí)