Thông tin thị trường

Thu hẹp đối tượng mua nhà ở xã hội?

29/08/2014 - 05:10

 

Bên cạnh chất lượng công trình, nhiều ý kiến lo ngại nhà ở xã hội không đến đúng đối tượng có nhu cầu. Ảnh: Việt Nguyễn


Không phải cứ công an, quân đội là khó khăn

Sở hữu nhà là mơ ước của bất kỳ người dân nào mưu sinh, lập nghiệp ở các đô thị lớn, song chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội chỉ hướng tới các đối tượng thu nhập thấp, khó khăn về kinh tế, chưa có nhà… Đây là lý do dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng soạn dành hẳn một chương để đưa ra các quy định chi tiết.

Theo đó, Điều 60 nêu rõ, đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội gồm: Người có công với cách mạng; Cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, công nhân, viên chức công an và quân đội; Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp; Người thu nhập thấp, hộ nghèo tại khu vực đô thị; Hộ nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; Các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quyết định thu hồi đất.

Nhóm học sinh, sinh viên chỉ được thuê nhà ở xã hội trong thời gian học tập. Người khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa thì được bố trí ở nhà dưỡng lão, nhà bảo trợ xã hội.

Về điều kiện, dự thảo quy định các đối tượng này phải: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn 50% diện tích bình quân chung của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án hoặc có đất ở nhưng không đủ điều kiện về diện tích để xây dựng lại nhà ở theo quy định của UBND cấp tỉnh hoặc có nhà ở nhưng nhà ở tạm bợ, hư hỏng, dột nát; Phải có đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội…

Nghèo thật, khó thật mới được mua

Theo Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, cả nước hiện có khoảng 2 triệu cán bộ công chức, 2 triệu công nhân, 3 triệu học sinh sinh viên, 6 triệu lao động trong các cơ sở công nghiệp có nhu cầu về nhà ở. Ở đô thị, mỗi người chỉ ở dưới 5m2 cũng có 350 nghìn hộ.

Ông Hiện cho rằng việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. “Doanh nghiệp bất động sản thời gian qua chỉ quan tâm tới nhà thương mại chứ ít quan tâm tới nhà ở xã hội. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích để thu hút doanh nghiệp. Ngoài Quỹ nhà ở hiện có, cần , cần trích một phần quỹ nào đó để phục vụ mục tiêu này”, Trưởng Ban dân nguyện đề xuất.

Với số lượng đối tượng kể trên, khoản tiền nhà nước phải bỏ ra để hỗ trợ là rất lớn. Do đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng phải xem xét lại các quy định về đối tượng và điều kiện mua nhà ở xã hội. Đánh giá về các tiêu chí do Bộ Xây dựng soạn, tại phiên họp hôm 10/3, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Không phải tất cả Người có công, quân nhân, học sinh, người lao động, cán bộ, viên chức… đều khó khăn về kinh tế. Quy định đối tượng được hỗ trợ như trong dự thảo quá rộng, dễ có đến đến 50 – 60% dân cư Việt Nam đủ điều kiện”. Theo ông Hiển, ngân sách sẽ gặp khó khi phải hỗ trợ nhiều như vậy.

Dẫn thực tế về nhiều đối tượng không thực sự khó khăn về nhà ở, thu nhập tương đối nhưng cũng “xâu xé” mô hình nhà ở xã hội để trục lợi trong khi người nghèo có nhu cầu thực sự lại không với tới được, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần quản lý chặt chẽ các quỹ liên quan đến mô hình này.

Nhiều thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, chinh sách ưu đãi về nhà ở xã hội là cần thiết, tuy nhiên, phải nhắm đúng mục tiêu, đó là các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp thực sự có khó khăn về nhà ở.


  Theo Gia Đình

 

(Nguồn sưu tầm)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm