Thị trường địa ốc Đà Nẵng đang chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của nguồn cung căn hộ khách sạn, nghỉ dưỡng (condotel). Trước thực trạng này, không ít công ty, tổ chức nghiên cứu cho rằng, thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể xảy ra nguy cơ "vỡ trận" bất cứ khi nào.
Sở Du lịch TP Đà Nẵng thông tin, trong những năm 2011 - 2015, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng bình quân 20,14%/năm. Cụ thể, khách nội địa tăng từ 1,7 triệu lượt khách năm 2010 lên 4,6 triệu lượt khách năm 2015, tăng 18,6%. Năm 2015, tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch năm ước đạt 12.700 tỷ đồng, tăng 28,7%. Giai đoạn 2011 - 2015, doanh thu du lịch tăng bình quân 30,6%/năm.
Trong nhiều năm qua, xu hướng đầu tư vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch tại Đà Nẵng diễn ra sôi động bởi ngành du lịch đạt tốc độ tăng trưởng cao. Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện TP có 83 dự án du lịch, dịch vụ đã và đang triển khai đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 7,3 tỷ USD (153.300 tỷ đồng). Trong đó, có 63 dự án trong nước với tổng vốn 6,02 tỷ USD (tương đương 126.420 tỷ đồng) và 20 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 1,28 tỷ USD (tương đương 26.800 tỷ đồng).
Những dự án này cung ứng cho thị trường Đà Nẵng lượng cung khổng lồ. Công ty nghiên cứu thị trường Savills tại Đà Nẵng dự báo, vào năm 2018, nguồn cung khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng condotel có thể tăng gấp 3 lần. Theo số liệu thống kê, tại Đà Nẵng, hình căn hộ khách sạn hiện có 6.900 căn đã đi vào hoạt động. Savills cho rằng: "Ở thời điểm hiện tại, việc phát triển tăng trưởng “nóng” condotel đang tiềm ẩn nhiều rủi ro".
Làn sóng đầu tư xây dựng khách sạn 1-3 bùng nổ mạnh mẽ tại Đà Nẵng trong 2 năm qua.
Trong khi đó, theo giới kinh doanh, hiện thị trường địa ốc Đà Nẵng đang bước vào chu kỳ tăng trưởng cao. Thời gian tới, ngoài yếu tố du lịch tăng trưởng, TP sẽ đón nhiều sự kiện quan trọng, nhất là APEC 2017. Đồng thời, khi các thành phố lớn khác như Tp.HCM, Hà Nội đã trở nên đắt đỏ, Đà Nẵng đang trở thành một điểm đến của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có thương hiệu lớn.
Chính vì vậy, hoạt động xây dựng tại các khách sạn có thương hiệu quốc tế đang được đẩy mạnh khiến Đà Nẵng trở thành "đại công trường" chạy đua tiến độ suốt ngày đêm. Theo khảo sát của phóng viên, gần như không còn đất trống cho việc xây dựng dọc các con đường ven biển và hai bờ sông Hàn. Tại những khu vực này, hàng trăm dự án khách sạn các hạng sao đang "mọc lên như nấm sau mưa".
Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, ông Lương Minh Sâm nhận định, hiện giới đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt các cơ hội làm ăn lớn từ Diễn đàn APEC 2017. Trong 2 năm qua, làn sóng đầu tư xây dựng khách sạn 1-3 đã bùng nổ mạnh mẽ tại Đà Nẵng. Thành phố biển này hiện có trên 500 cơ sở lưu trú 1-3 sao, cung ứng hơn 14.000 phòng. Cùng với đó, các khách sạn mới liên tục xuất hiện trên nhiều tuyến đường gần biển của các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà.
Thực tế cho thấy, khách sạn 4-5 sao tiêu chuẩn quốc tế đã được xây dựng trên trục đường từ Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp đến Trường Sa. Bên cạnh đó, hàng loạt nhà nghỉ mini, khách sạn 1-3 sao đang tiếp tục được xây dựng. Trên con phố dài chưa tới 500m đường Hà Bổng (Phước Mỹ, Sơn Trà), có tới 35-40 khách sạn lớn, nhỏ các loại, ngay sau khách sạn A La Carte 5 sao.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng là khu vực có trên 60 khách sạn lớn nhỏ đã và đang được xây dựng. Trong tương lai, nơi đây sẽ cung ứng cho thị trường gần 10 nghìn phòng khách sạn từ 2 dự án Danang Times Square của tập đoàn PT và Soleit của PCC An Thịnh đang được xây dựng.
Theo lãnh đạo Hội Khách sạn Đà Nẵng, hiện phân khúc khách sạn 1-3 sao của TP đang chiếm phần lớn thị phần, tuy nhiên hầu hết các dự án này đều đầu tư khá vội vàng, kinh doanh tự phát và thiếu định hướng. Điều đáng nói là, các chủ đầu tư đang làm ngược, tức xây khách sạn rồi mới tìm thị trường nên hoạt động không hiệu quả.
Vì thế, các khách sạn tại Đà Nẵng nên có sự liên kết, thống nhất với nhau về giá cả dựa trên giá thực của thị trường để hoạt động hiệu quả hơn, tránh bội cung; đồng thời, tạo ra sự khác biệt về sản phẩm, chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách hàng.
(Nhịp sống kinh tế)