Tại Hội nghị báo cáo tình hình bất động sản (BĐS) diễn ra tại Singapore vừa qua, Việt Nam được bầu chọn là thị trường BĐS được yêu thích nhất khu vực Đông Nam Á.
Được biết, Hội nghị báo cáo tình hình BĐS đã ghi nhận những chia sẻ từ các nhà lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực địa ốc với từng thị trường BĐS riêng biệt như Việt Nam, Philippines, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Indonesia.
Đáng chú ý nhất là nhận định của Giám đốc điều hành Alternaty ông Rudolf Hever: “Việt Nam hiện đang cung cấp những cơ hội hấp dẫn nhất khu vực, còn những thị trường khác đang chịu những bất ổn nhất định".
Vị này nhấn mạnh: "Hiện tại, Singapore đang bị tác động bởi các biện pháp xoa dịu thị trường hơi quá tay, trong khi đó Indonesia và Malaysia cũng đang chứng kiến cảnh đồng tiền mất giá nhanh chóng, còn Thái Lan tiếp tục vất vả với những vấn đề nội bộ, Myanmar lại đang đối mặt với tình trạng nguồn cung tăng mạnh trong tương lai gần tạo áp lực lên giá thuế và giá cả. Việt Nam đã trải qua một giai đoạn dài khắc phục khó khăn và dường như đã sẵn sàng để dẫn đầu thị trường khu vực trong vòng 2-3 năm tới".
Thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá cao trong năm 2016.
Các chuyên gia tham gia hội thảo trên đã bình chọn về thị trường sẽ có hoạt động tốt nhất trong năm 2016, Việt Nam nhận được nhiều bình chọn nhất với kì vọng thị trường BĐS Việt Nam sẽ đạt kết quả vượt qua Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Giới chuyên gia cho rằng, các chủ đầu tư tại các thị trường như Thái Lan (Phuket, Bangkok), Indonesia (Lombok, Bali) và Singapore hiện đã đạt được thành công trong việc thu hút khách hàng ngoại cho các dự án của họ trong vài năm qua, tuy nhiên Việt Nam đã lỡ xu hướng này.
Vậy nhưng, người mua nước ngoài có thể sẽ cân nhắc một cách nghiêm túc về các sản phẩm BĐS tại việt Nam trong thời gian tới bởi chính phủ Việt Nam đã có các động thái tích cực về việc nới lỏng quyền sở hữu BĐS cho người nước ngoài và giảm phí nhập cảnh cho du khách nước ngoài. Mặt khác, niềm tin của người mua lẫn chủ đầu tư đều đã tăng lên cùng với những ảnh hưởng tích cực của AEC (cộng đồng kinh tế ASEAN) và Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
(Trí thức trẻ)