Đâu năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát đi thông điệp đề ra nhiệm vụ trọng tâm của ngành là xây dựng và ban hành những chính sách để thị trường bất động sản (BĐS) phát triển bền vững. Trong đó, để thị trường phát triển bền vững, một vấn đề vô cùng quan trọng là phải công khai và minh bạch.
|
Cần công khai, minh bạch để thị trường BĐS phát triển bền vững. Ảnh minh họa |
Do thiếu thông tin, thị trường BĐS Việt Nam liên tiếp xảy ra những đợt "nóng" và "lạnh" thất thường. Các chuyên gia khuyên người dân là cần phải thu thập càng nhiều thông tin càng tốt để tránh gặp phải những rủi ro.
Thị trường BĐS Việt Nam có một thực tế là khi người dân muốn mua một căn hộ để ở thì không xác định được nên mua ở đâu, dự án nào. Đó là chưa tính đến những người dân có tiền muốn đầu tư lớn vào thị trường này. Người dân và nhà đầu tư không biết được chính xác diễn biến giá cả trên thị trường để xác định hướng đầu tư đúng đắn. Lý do là đến tận thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có một báo cáo chính thống hàng tháng hoặc hàng quý nào về thị trường do cơ quan quản lý Nhà nước phát hành. Người dân chỉ có thể biết thông tin một số dự án cụ thể do các sàn BĐS niêm yết khi chào bán.
Hiện trên thị trường vẫn có những báo cáo đều đặn của các công ty kinh doanh BĐS nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, không có ai kiểm chứng về độ chính xác của những báo cáo này bởi không có số liệu chuẩn để đối chiếu nên vẫn có độ vênh số liệu giữa các công ty.
Đó là những điều khó khăn cho người dân, còn đứng từ góc độ là một người kinh doanh, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty BĐS Thế Kỷ cho rằng, cái khó không phải nằm ở việc tiếp cận thông tin mà khó ở mức độ chính xác và cập nhật của thông tin đến đâu. Những thông tin quy hoạch về BĐS sơ cấp, quỹ đất phải có độ chính xác cao và tính thực tiễn, nếu chỉ đưa ra một quy hoạch chung chung thì quá khó để doanh nghiệp có thể lập dự án một cách chi tiết.
Nếu thiếu hẳn thông tin thì không nói, còn nếu biết thông tin mà thông tin lại "mù mờ", dưới dạng "thông tin không chính thức" thì hậu quả sẽ rất khó lường. Bài học "xương máu" mà đến nay các nhà đầu tư vẫn còn nhắc đến đó là việc các nhà đầu tư ùn ùn kéo nhau về Ba Vì mua đất vì nghe thông tin phong phanh nơi đây sẽ trở thành địa điểm xây dựng trung tâm hành chính quốc gia. Những người đã "đánh rơi tiền tỷ" ở mảnh đất này mới thấm thía hậu quả của việc tin theo những tin đồn thổi, không chính xác. Bài học Ba Vì có lẽ sẽ giúp người dân cẩn trọng hơn khi định đầu tư theo đám đông, đầu tư kiểu "tát nước theo mưa" trong tình trạng thông tin "mù mịt" gây ra những cơn "sốt" bất thường trên thị trường.
Thông tin có vai trò vô cùng quan trọng và tác động mạnh tới thị trường. Thông tin đúng sẽ làm thị trường ổn định và ngược lại, thông tin sai lệnh, thiếu minh bạch sẽ khiến thị trường bất ổn
Các chuyên gia BĐS đều nhận định, cả doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước cần tìm cách tạo nên một thị trường thông tin BĐS, hoạt động song song với thị trường BĐS. Thông tin có minh bạch thì mới mong thị trường BĐS minh bạch.
Bộ Xây dựng hiện đang chọn Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ để thí điểm xây dựng chỉ số BĐS. Các chỉ số được công bố gồm chỉ số giá giao dịch BĐS và chỉ số lượng giao dịch BĐS. Chỉ số lượng giao dịch BĐS bao gồm chỉ số lượng giao dịch của từng khu vực và của địa phương, chỉ số lượng giao dịch cho từng loại BĐS.
Khi xây dựng chỉ số BĐS, các nhà nghiên cứu sẽ lựa chọn các loại BĐS gồm BĐS để bán, chuyển nhượng là căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền, văn phòng,... Đơn vị tính cho chỉ số này là tỷ lệ phần trăm và sẽ được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thời gian qua, thị trường BĐS đón nhận nhiều thông tin tốt như lượng giao dịch tăng lên, khách hàng dần có lòng tin trở lại với thị trường,... Do đó, cần có những chính sách phù hợp để thúc đẩy thị trường BĐS bước vào chu kỳ phát triển mới.
(Tạp chí tài chính Online)