Thông tin thị trường

Thị trường bất động sản tháng 10 đã được cải thiện

21/11/2014 - 11:55

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa đưa ra những nhận định về thị trường bất động sản trong tháng 10 vừa rồi. Theo đó, thanh khoản trên thị trường bất động sản đã được cải thiện, nhưng sẽ khó để tạo nên cơn sốt.

Tín dụng đang “chảy” vào bất động sản

Khảo sát, nghiên cứu của VNREA cho thấy, kinh tế nước ta 10 tháng đầu năm 2014 tiếp tục có những bước phục hồi ổn định. Lạm phát chỉ còn ở mức thấp và được kiểrm soát. Đầu tháng 11, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm chỉ còn 4%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng. Trần lãi suất huy động VND dưới 6 tháng cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước ra quyết định hạ  từ 6%/năm xuống còn 5,5%/năm.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng tỏ ra rất dồi dào với tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/10 vừa rồi đạt 7,85%, so với cùng kỳ năm ngoái (7,18%) đã cao hơn, vào cuối năm nay, tín dụng có khả năng đạt được mục tiêu đã đề ra với tăng trưởng tín dụng bất động sản trên 12%, tập trung chủ yếu vào khu vực BĐS trung cấp và bình dân.

Theo khảo sát, mức giá BĐS hiện đã điều chỉnh về xấp xỉ năm 2007, nhưng theo từng lĩnh vực, xu hướng tăng, giảm sẽ phân hóa khác nhau. Hiện phân khúc phát triển ổn định nhất là phân khúc căn hộ có quy mô nhỏ và vừa, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Ở phân khúc cao cấp, những dự án có vị trí tốt, nhiều tiện ích của các chủ đầu tư uy tín vẫn được thị trường đón nhận, tuy không được như thời kỳ trước.

Thị trường khó có thể quay lại thời kỳ sốt nóng trước đây - Ảnh: Hoài Nam

VNREA đánh giá, thị trường đang có những bước khởi sắc và trong 2 tháng cuối năm, được kỳ vọng sẽ phục hồi hơn nữa. Người tiêu dùng đã hồi phục lòng tin nhưng vẫn còn thận trọng chứ không tranh mua, tranh bán như trước.

Quyền Tổng thư ký VNREA, ông Trần Ngọc Quang cho biết, tính thanh khoản trên thị trường địa ốc cho đến thời điểm hiện tại vẫn duy trì xu hướng tăng. Nhiều đơn vị phân phối sản phẩm cho biết tình hình giao dịch khả quan của đơn vị mình. Một số doanh nghiệp có số lượng căn hộ giao dịch thành công đến nay đã vượt con số của cả năm 2013.

Ông Quang đánh giá: “Với việc lượng thanh khoản tăng lên ở nhiều dự án, có thể cuối năm thị trường sẽ có "sóng" nhưng với nguồn cầu và nguồn cung như hiện tại, lãnh đạo một số sàn bất động sản lớn tại Hà Nội nhận định, rất khó tạo ra ‘cơn sốt’ như trước”.

Sức khỏe doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi

Cũng theo ông Quang, những dấu hiệu hồi phục gần đây về cơ bản vẫn chưa thể chứng minh được thị trường đã thực sự vượt thoát ra khỏi khó khăn, ít nhất là từ nay đến cuối năm và có thể cả trong năm 2015. Khó khăn thể hiện rõ ở nhiều doanh nghiệp BĐS.

Theo nhìn nhận thực tế, phần lớn các chủ đầu tư, doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất ở mức 13%/năm và dường như không có một khoản hỗ trợ nào khác ngoài gói 30.000 tỷ đồng, trong khi đó, gói hỗ trợ này mới chỉ giải ngân đạt khoảng 12%.

Ngoài chuyện vốn thì thủ tục hành chính cũng là gánh nặng với các doanh nghiệp.Mặc dù đã có những nỗ lực để giảm một số thủ tục nhưng bất cập là nhiều thủ tục mới lại phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các dự án khiến doanh nghiệp càng gặp khó nhiều hơn.

Mặt khác, các dự luật liên quan đến kinh doanh BĐS nhìn chung vẫn chưa thực sự thông thoáng, còn thiếu tính liên kết giữa các Bộ, ngành và các luật với nhau. Nhiều quy định như bảo lãnh, ký quỹ cũng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Quang cho rằng, để thị trường hồi phục và ổn định cần phải tăng thời hạn cho khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng lên đến 20 năm và chưa phải lãi vay và nợ gốc trong 3 năm đầu.

Ngân hàng Nhà nước cũng nên thống nhất hướng dẫn các ngân hàng thương mại về thủ tục thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai chỉ cần chung 1 thủ tục, không nên mỗi ngân hàng đưa ra 1 quy định, thủ tục khác nhau, khiến người vay vốn gặp khó.

Ngân hàng cũng nên xem xét cho những doanh nghiệp đang đầu tư dang dở các dự án nhà ở thương mại với giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, quy mô dưới 70 m2/căn được vay vốn ưu đãi để hoàn thiện công trình, góp phần giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho và tăng lượng hàng cho thị trường.

(Đầu tư chứng khoán)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm