Theo dự thảo này, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở là tổ chức tín dụng được
thành lập theo hình thức công ty cổ phần và hoạt động theo quy định của
pháp luật về tổ chức tín dụng để huy động vốn và cho vay phát triển nhà
ở.
Nguồn vốn hình thành ngân hàng tiết kiệm nhà ở bao gồm: Vốn tự có của
các chủ sở hữu tham gia thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở; Vốn đóng
góp tiết kiệm của các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay từ ngân hàng
tiết kiệm nhà ở; Vốn hỗ trợ từ Nhà nước (nếu có); Các nguồn vốn hợp pháp
khác.
Mục đích sử dụng vốn của ngân hàng này là cấp vốn cho các hộ gia đình,
cá nhân tham gia đóng góp tiết kiệm tại ngân hàng vay để mua nhà ở hoặc
để cải tạo, sửa chữa nhà ở hiện có; Mua trái phiếu Chính phủ trong
trường hợp có vốn nhàn rỗi.
Theo dự thảo, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể về việc thành
lập, vốn pháp định, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, cơ chế huy
động và cho vay của ngân hàng tiết kiệm nhà ở, có các cơ chế ưu đãi nhằm
khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia tiết kiệm phát triển nhà
ở.
Được biết, theo dự thảo mới này của Bộ Xây dựng, các tổ chức cung cấp
tài chính cho phát triển nhà ở được chấp nhận gồm có: Các tổ chức tín
dụng đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật các tổ chức tín
dụng; Quỹ phát triển nhà ở được thành lập tại các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương; Ngân hàng tiết kiệm nhà ở; Quỹ đầu tư bất động
sản; Các tổ chức tài chính khác đang hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, việc huy động vốn cho phát triển nhà ở
phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: Phải phù hợp với từng loại nhà ở;
Tổ chức, cá nhân huy động vốn phải có đủ điều kiện được huy động
vốn theo quy định của Chính phủ; Bảo đảm công khai, minh bạch, bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có vốn tham
gia phát triển nhà ở; Tổ chức, cá nhân huy động vốn không được
chiếm dụng vốn đã huy động; Vốn huy động cho phát triển nhà ở phải
được quản lý chặt chẽ....
Theo Trí thức trẻ
(Nguồn sưu tầm)