Trong những ngày vừa qua, thị trường địa ốc xôn xao bởi quy định dự án phải có từ 3 tầng hầm trở lên. Trong khi doanh nghiệp BĐS lo dự án sẽ bị đẩy chi phí với quy định này thì người mua nhà 'nửa mừng nửa lo' vì khi chi phí xây dựng tăng sẽ kéo theo giá nhà cũng tăng lên.
Hà Nội vừa chỉ đạo các sở liên quan và các chủ đầu tư xây dựng công trình, trung tâm thương mại, khu đô thị phải bố trí thêm diện tích tầng hầm để xe, tối thiểu 3 tầng hầm với mục đích để tăng cường chỗ để xe cho người dân, hạn chế áp lực về chỗ để xe cho toàn TP.
Thông tin này ngay sau khi xuất hiện trên thị trường đã nhận được nhiều phản hồi từ các doanh nghiệp. Đa có nhiều ý kiến đồng tình với chính sách của TP Hà Nội, nhưng các doanh nghiệp cũng đề xuất quy định cần cụ thể hơn, phải có sự cân đối giữa các dự án khác nhau.
Bàn về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng, ông Nguyễn Thế Điệp bày tỏ: "Tôi hoàn toàn đồng tình với chính sách của Hà Nội. Tại các khu vực trung tâm hiện nay, áp lực hạ tầng đang rất lớn. Ở nhiều dự án hỗn hợp, hầm gửi xe không chỉ phục vụ cư dân mà còn phải phục vụ khu trung tâm thương mại và văn phòng. Do đó, quy định dự án có 3 tầng hầm sẽ giải quyết được áp lực về chỗ đậu xe hiện nay".
Thế nhưng, cũng theo ông Điệp, chủ trương là rất thiết thực song cũng cần có sự cân đối với từng hoàn cảnh cụ thể. Chẳn hạn, tại các dự án cao cấp nằm ở khu vực trung tâm, diện tích chật chội thì quy định trên là rất đúng. Còn tại những dự án vùng ven, với mật độ xây dựng và mật độ dân số thấp hơn thì cũng không nhất thiết bắt buộc dự án phải có 3 tầng hầm, dự án chỉ cần 2 tầng hầm cũng đã đáp ứng đủ được nhu cầu về chỗ để xe của cư dân rồi".
Hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau về quy định dự án phải có tối thiểu 3 tầng hầm.
(Ảnh minh họa, nguồn: laodong.com.vn).
Đồng quan điểm với ông Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest), ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng: "Quy định này là hết sức thiết thực. Nhưng theo tôi, chúng ta không nên cứng nhắc khi bắt buộc dự án phải có bao nhiêu tầng hầm mà nên quy định về tỷ lệ chỗ đậu cho một dự án".
Lãnh đạo của GP Invest nhấn mạnh: "Tính đến năm 2020, chỉ khoảng 75-80% dân số có khả năng mua ô tô. Vậy nên, quy định nên áp dụng cụ thể chủ đầu tư phải đảm bảo được 80% chỗ đỗ ô tô cho cư dân thì hợp lý hơn, để tránh trường hợp đánh đồng tất cả sẽ gây ra sự lãng phí không đáng quá trong quá trình xây dựng vì dự án càng nhiều hầm thì chi phí xây dựng càng đội lên. Với tầng hầm thứ nhất chi phí sẽ bằng khoảng 1,1 chi phí một tầng nổi, tầng hầm thứ 2 là 1,2 tầng nổi và tầng thứ 3 chi phí sẽ sẽ tăng cao đến 1,5 tầng nổi".
Ở góc độ một doanh nghiệp đang triển khai rất nhiều dự án chung cư hiện nay, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát, ông Vũ Kim Giang cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định của TP Hà Nội. Nhưng ông Giang cũng kiến nghị nên có quy định cụ thể để phù hợp với từng phân khúc chung cư.
Theo ông Giang: "Quy định này sẽ thiết thực hơn đối với các dự án nằm trong khu vực từ vàng đai 3 trở lại. Còn với những dự án vùng ven hoặc những dự án tại Sóc Sơn, Hoài Đức, Ba Vì,...mật độ xây dựng thấp thì quy định này sẽ không phù hợp. Thậm chí, các dự án nhà ở xã hội cũng khó để áp dụng 3 tầng hầm".
"Với những dự án đã phê duyệt chủ trương xây dựng, nếu hiện nay quy định 3 tầng hầm đồng nghĩa với việc chủ đầu tư phải sửa đổi lại thiết kế. Việc này sẽ gây chậm tiến độ thực hiện dự án, mất thời gian cho doanh nghiệp. Vì vậy, TP Hà Nội nên có lộ trình và có các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với quy định này", ông Giang nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp địa ốc đang xây dựng nhà ở phân khúc bình dân cũng bày tỏ lo lắng, chủ trương của nhà nước là làm sao để giá nhà rẻ, đáp ứng nhu cầu ở thực của nhiều người. Song, quy định dự án phải có từ 3 tầng hầm trở lên sẽ khiến giá nhà đội lên cao, điều này gây khó cho cả doanh nghiệp triển khai lẫn người thu nhập thấp.
(Trí thức trẻ)