Chưa kịp phục hồi trở lại sau đợt kích cầu du lịch nội địa, làn sóng tiếp theo của Covid-19 đã khiến thị trường khách sạn liên tiếp đối mặt với những khó khăn mới trong quý 3.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Covid-19 đã khiến nền du lịch Việt Nam có sự sụt giảm mạnh cả về lượng khách nội địa (50%) và quốc tế (56%) trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, chỉ riêng trong quý 2, lượng khách quốc tế đến giảm tới gần 99% do các đường bay quốc tế đã tạm dừng kể từ cuối tháng 3.
Báo cáo mới nhất của CBRE cho biết, lĩnh vực kinh doanh khách sạn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) trong 2 quý đầu tại Hà Nội và TP.HCM đã giản lần lượt 56% và 64%, trong khi với toàn thị trường, mức giảm là khoảng 55%.
Theo đó, tháng 4 được ghi nhận là thời gian có sự giảm sút nghiêm trọng nhất về công suất phòng khi diễn ra giãn cách xã hội. Bước sang tháng 5-6, tình hình dần khả quan hơn khi các chính sách kích cầu du lịch được đưa ra và khách nội địa bắt đầu quay trở lại.
Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, nguồn khách quốc tế vốn có ảnh hướng lớn đối với thị trường khách sạn cao cấp nên với thực tế đang diễn ra, công suất phòng tại hai thị trường này trong những tháng qua chỉ tăng nhẹ từ 1-1,5 điểm phần trăm. Vậy nên, ngành dịch vụ lưu trú sẽ còn mất khá nhiều thời gian để hoàn toàn hồi phục trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cả trong nước lẫn trên toàn thế giới.
Báo cáo trên nhận định: "Du khách nội địa được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự phục hồi của thị trường và bù đắp phần nào sự sụt giảm lượng khách quốc tế trong năm 2020. Thị trường du lịch nội địa bắt đầu khởi sắc hơn từ tháng 6 với việc ghi nhận tổng lượt khách gia tăng gấp 2,3 lần so với trong tháng 5. Trong bối cảnh chưa thể đi du lịch nước ngoài, nhiều người Việt lựa chọn những điểm đến trong nước nhằm hỗ trợ ngành du lịch địa phương. Những điểm đến có thể dễ dàng tiếp cận bằng đường bộ như Sapa, Hạ Long ở miền Bắc hoặc Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt ở miền Nam đã đặc biệt hưởng lợi từ làn sóng phục hồi trong các tháng hè vừa qua".
|
Tình hình hoạt động của thị trường khách sạn cao cấp tại Việt Nam trong 2 quý đầu năm 2020. Nguồn: CBRE Việt Nam |
Tích cực trong dài hạn, thận trọng trong trước mắt
Dự báo về tình hình hoạt động trong quý 3 của các khách sạn, CBRE cho rằng, biến chuyển gần như không khác biệt so với quý 2 khi làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, đó là chưa kể đang có nhiều địa phương phải thiết lập cách ly xã hội để phòng tránh sự lan rộng của dịch bệnh.
Như vậy, nguồn thu chính đối với thị trường khách sạn vào thời điểm này là khách nội địa cũng sẽ giảm khi mùa cao điểm du lịch đã qua và khách nội địa cũng dè dặt hơn trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Cũng theo nhận định của CBRE, trong dài hạn, hoàn toàn có thể tin tưởng vào triển vọng phát triển của ngành khách sạn Việt Nam khi cơ sở hạ tầng liên tục được cải thiện, song song với chính sách thị thực ưu đãi và định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Chính phủ.
Đó là chưa kể đến việc, Việt Nam được công nhận là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh thành công và hiệu quả nhất thế giới - tạo hình ảnh đẹp về một điểm đến an toàn trên bản đồ du lịch cũng như lợi thế cho phát triển, thu hút du lịch sau thời điểm dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn.
Trong ngắn hạn, Phó Giám đốc của CBRE Hotels Việt Nam Nguyễn Trọng Thức cho rằng: "Thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020-2021 được dự báo sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ, với tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn".
Nguồn: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/thi-truong/thi-truong-khach-san-tiep-tuc-kho-khan-trong-quy-iii-3550677.html
(Nguồn sưu tầm)