“Diện
tích nhà ở bình quân để cá nhân được đăng ký thường trú thuộc trường
hợp thuê, mượn, ở nhờ tại Tp.HCM trong giai đoạn từ đây đến hết năm 2015
là 16-17 m2/người”. Đó là đề xuất của Sở Xây dựng tại Tờ trình về diện
tích nhà ở tối thiểu để một người đăng ký nhập hộ khẩu Tp.HCM. Đề xuất
này đang được trình các sở, ngành để lấy kiến.
Diện tích ở 16 m2/người
Sở Xây dựng cho hay vào năm 2010, UBND TP đã có công văn, chỉ đạo Sở
hướng dẫn các cơ quan xác nhận tình trạng nhà ở để lập thủ tục hộ khẩu
là 5 m2/người, căn cứ trên Nghị định 56/2010 quy định một số điều của
Luật Cư trú. Đến năm 2013, Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung được thông qua.
Luật này yêu cầu: “Việc đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê,
mượn, ở nhờ của cá nhân tổ chức phải đảm bảo về diện tích ở bình quân
theo quy định của HĐND TP”.
Mới đây, theo đề nghị của ngành công an, UBND TP giao Sở Xây dựng xây dựng diện tích ở tối thiểu tại TP để được nhập hộ khẩu.
Sở đã đề xuất hai mức 16 m2 hoặc 17 m2. Đây là kết quả sau tham khảo
những nguồn tài liệu như Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX, nhiệm
kỳ 2010-2015 và phương hướng, báo cáo kết quả về chương trình phát
triển nhà ở tại TP.
Theo đề xuất của Sở xây dựng, diện tích ở tối thiểu để người nhập cư được nhập hộ khẩu
tại TP đã tăng lên hơn ba lần so với quy định hiện nay.
Cụ thể, Nghị quyết đại hội Đảng bộ đặt ra 18 chỉ tiêu chủ yếu. Trong
đó tổng diện tích nhà ở xây dựng tại TP trong năm năm phải đạt 39 triệu
m2, còn diện tích nhà ở bình quân đạt được 17m2/người. Sở cho biết: “Đến
nay TP đã xây dựng được 24,5 triệu m2 sàn nhà ở. Diện tích nhà ở bình
quân đạt 16,4 m2”, từ đó đưa ra mức quy định như trên. Sở lưu ý thêm
diện tích trên sẽ là 18 m2 hoặc 19 m2 trong giai đoạn 2016 - 2020. So
sánh với Hà Nội, tại khu vực nội thành, diện tích nhà ở đối với người
thuê ở được nhập hộ khẩu cũng là 15 m2/người.
Như vậy, diện tích ở tối thiểu để được nhập hộ khẩu tại TP đã tăng
lên hơn ba lần so với thực tế đang áp dụng hiện nay. Hiện Sở Tư pháp
đồng tình mức nhỏ hơn trong phương án đưa ra, tức 16 m2.
Thận trọng khi áp dụng số liệu trung bình cộng
“Việc này cần hết sức thận trọng. Hiệp hội không nhận được báo cáo
kết quả về chương trình phát triển nhà ở nên không có ý kiến về tính
chính xác. Tuy nhiên, bản thân tôi băn khoăn về cách tính bình quân để
ban hành ra một con số, bắt buộc cho người dân toàn TP”, phát biểu với
tư cách cá nhân, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP,
cho hay. Theo ông, trên thực tế có người sở hữu hàng ngàn m2 nhà ở thì
cũng có người nghèo, căn nhà chỉ vài chục m2. Do đó, nếu tính trung bình
cộng rồi kết luận mỗi người ở TP có thể được ở trên diện tích 17-18 m2
là chưa hợp lý. Theo ông Châu, đề nghị và góp ý của các địa phương về
thực trạng nhà ở và dân số sẽ cực kỳ cần thiết, nhất là cấp phường, xã,
thị trấn vì đây là nơi nắm rõ và chính xác nhất.
Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP, ông Võ Kim Cương, cho hay lâu nay
ông vẫn cực lực phản đối áp dụng chủ nghĩa trung bình cộng trong phát
triển đô thị. “Những con số bình quân chỉ áp dụng để đề ra các chiến
lược phát triển chứ không phải dựa vào để ban hành quyết sách cụ thể cho
người dân vì dễ duy ý chí, mang tính bao cấp và hình thức” - ông góp ý.
Theo ông, nâng diện tích nhà ở tối thiểu là một biện pháp để siết việc
nhập hộ khẩu vào TP nhưng việc này có thể làm mất lòng dân. “Một đô thị
có nhiều cơ hội sẽ thu hút người nhập cư, đó là quy luật tất yếu. Nhiệm
vụ của chính quyền là có những chính sách tận dụng được nguồn lực ấy, đi
kèm giải quyết quyền lợi cơ bản cho họ như chỗ ở, việc làm, học tập…
Chống tập trung quá đông vào khu vực trung tâm là cần thiết nhưng nên
thực hiện bằng những giải pháp kinh tế. Can thiệp bằng biện pháp hành
chính như hạn chế nhập khẩu không ngăn được số dân đổ về đô thị mà chỉ
gây khó khăn cho họ. Cuối cùng, hệ quả cũng do TP giải quyết” - ông phân
tích.