Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Nghệ An, nhiều bất cập trong vấn đề xây dựng, cấp phép, công tác kiểm tra, thanh tra… về hàng loạt chung cư cao tầng ở Nghệ An đã được các đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An Hoàng Trọng Kim.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 132 dự án xây dựng nhà ở, trong đó có 67 dự án đã được phê duyệt; 59 chung cư cao tầng đã và đang được xây dựng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 27 chung cư cao tầng được miễn giấy phép xây dựng theo Nghị định số 64 của Chính phủ; 24 chung cư cao tầng đã được cấp giấy phép xây dựng và 8 chung cư đang tiến hành xây dựng nhưng chưa được cấp phép.
Đáng chú ý, có 16 chung cư vi phạm về trật tự xây dựng đô thị với các lỗi như khởi công xây dựng khi chưa được cấp phép; khởi công xây dựng nhưng chưa trình hồ sơ xin cấp giấy phép; việc thi công xây dựng có tác động đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng khu dân cư và ô nhiễm môi trường…
Dù chưa được cấp phép nhưng nhiều chung cư cao tầng ở Nghệ An vẫn tiến hành
xây dựng công khai.
Theo báo cáo giải trình của Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An Hoàng Trọng Kim, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số chủ đầu tư năng lực còn hạn chế, chấp nhận nộp phạt công trình vi phạm để tiếp tục thi công và chưa đảm bảo, tuân thủ các quy định chung về an toàn lao động, bảo vệ môi trường…
Trả lời câu hỏi: Giải pháp nào để xử lý 8 chung cư trên địa bàn đã tiến hành thi công mà chưa được cấp phép?của Đại biểu Đặng Quang Hồng (huyện Nghi Lộc), ông Kim cho biết, theo Luật Xây dựng có 4 hình thức xử lý công trình thi công nhưng chưa được cấp phép là đình chỉ thi công, tiến hành cưỡng chế nếu sai phạm nặng, bồi thường thiệt hại, xử lý vi phạm hành chính và công khai trên các website của ngành xây dựng về các sai phạm của chủ đầu tư.
Mặt khác, ông Kim còn đưa ra dẫn chứng về công trình Khách sạn Mường Thanh Cửa Đông (phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An) xây dựng kiến trúc ngầm ngoài phạm vi của mình nên đã yêu cầu tạm dừng, tháo dỡ; công trình Trung tâm thương mại Bảo Sơn (phường Hưng Phúc, TP Vinh) thi công gây nứt nhà dân, Sở Xây dựng đã phối hợp với TP Vinh và các cơ quan liên quan để xác định thiệt hại, có thỏa thuận đền bù một cách hợp lý.
Trong khi đó, Đại biểu Thái Thị An Chung (huyện Tân Kỳ) lại nêu băn khoăn khi trên địa bàn TP Vinh có hàng chục cẩu tháp treo lơ lưng trên đầu người dân và đặt câu hỏi: Cần cẩu tháp có nằm trong danh mục máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn không?
Về vấn đề này, theo Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An, Thông tư 22 năm 2010 và Quy chuẩn thiết bị Quốc gia số 18 quy định các thiết bị nâng sử dụng phải có giấy phép lưu hành, giấy kiểm định các thiết bị phải được quản lý theo quy chuẩn, đám ứng các điều kiện về an toàn lao động.
Vừa qua, việc một cần cẩu tháp của Công ty Trường Thành 2 trong lúc thi công thì bất ngờ đổ sập vào khuôn viên trường THPT Lê Viết Thuật (Nghệ An) đã đè chết một nam sinh của trường này khiến dư luận vô cùng lo lắng và bức xúc. Ông Kim cho rằng, sai phạm tại Công ty Trường Thành 2 thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và các nhà thầu liên quan.
Xoay quanh vấn đề có nhiều công trình chưa được cấp phép nhưng vẫn cứ tiến hành xây dựng một cách công khai, Đại biểu Trần Duy Ngoãn (Thị xã Hoàng Mai) đặt câu hỏi: Phải chăng có sự “chống lưng” của một thế lực nào đó?
Trả lời câu hỏi hày, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết toàn tỉnh Nghệ An có 435 xã, trong khi đó lực lượng thanh tra còn quá mỏng nên không thể kiểm tra thường xuyên, chưa có sự phối hợp tốt của các cấp ngành liên quan và ngành xây dựng chưa có chứng cứ để khẳng định có lợi ích nhóm, thế lực “chống lưng” ở đây.
Đại biểu Nguyễn Văn Lư (TP Vinh) đặt câu hỏi: Sở Xây dựng có mạnh dạn tham mưu cho UBND tỉnh có dám phân cấp cho TP Vinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc cấp phép các dự án trên địa bàn hay không? Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An, việc phân cấp cho bộ máy một cách phù hợp với năng lực quản lý theo nguyên tắc, tổ chức của nhà nước.
(Infonet)