“Thiết kế đô thị (TKĐT) của ba trục đường vừa được duyệt sẽ tác động đến
người dân ở việc cấp phép xây dựng và giúp khắc phục tình trạng nhà
siêu mỏng kỳ dị” - ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM,
cho hay tại hội nghị công bố đồ án TKĐT ba trục đường Phạm Văn Đồng, xa
lộ Hà Nội và Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt, ngày 27-5.
Định hướng xây dựng cho chủ đầu tư
* Việc phê duyệt TKĐT các trục đường nói trên có ý nghĩa gì đến việc cấp phép xây dựng cho người dân, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Thanh Toàn: Ý nghĩa ở chỗ khi người dân xin cấp phép xây
dựng thì cơ quan cấp phép sẽ căn cứ vào định hướng phát triển không gian
kiến trúc cảnh quan được quy định tại TKĐT để giải quyết cho người dân.
Cụ thể như về tầng cao, chỉ giới, khoảng lùi, sự đồng bộ với cảnh quan
xung quanh, phong cách kiến trúc, màu sắc công trình…
* Khi có TKĐT, người dân có thể nhìn vào các bản vẽ này đã
có thể biết được nhà mình xây cao bao nhiêu, khoảng lùi ra sao… hay
chưa, thưa ông?
+ Nếu nhìn vào bản vẽ TKĐT thì chỉ biết không gian chung, còn đi vào
trường hợp cụ thể thì phải căn cứ thêm vào quy chế ban hành kèm theo quy
định điều kiện cấp phép như về khoảng lùi, diện tích đất, chiều cao…
Quy chế này cũng sẽ được công khai.
Khi đã có TKĐT, những căn nhà như thế này sẽ không thể mọc lên nữa trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: MINH QUÝ |
* Trước kia quận Tân Phú cũng từng có mô hình TKĐT ở đường
Lũy Bán Bích. Theo đó, người dân rất thuận lợi trong việc xin phép xây
dựng khi từng thửa đất đã được quy định về mẫu nhà, màu sắc, tầng cao,
khoảng lùi… TKĐT các trục đường do Sở lập có thuận lợi gì hơn cho người
dân không?
+ Mô hình TKĐT của quận Tân Phú là một nghiên cứu của quận để giúp người
dân hiểu rõ hơn về các thông tin quy hoạch khi xây dựng nhưng chưa được
hoàn chỉnh, đôi khi gây khó khăn cho người dân. Bởi họ bị bắt buộc xây
dựng công trình theo mẫu định sẵn, trong khi điều này thực tế rất khó
thực hiện.
Trong khi đó TKĐT các trục đường do Sở thực hiện mang tính chất mềm, chủ
yếu định hướng hơn là áp đặt chủ đầu tư. Chẳng hạn, một khu đất theo
TKĐT được xây bảy tầng nhưng người dân chưa có điều kiện, họ chỉ muốn
xây ba tầng thì vẫn được giải quyết. Hoặc về màu sắc, TKĐT chỉ yêu cầu
màu sắc nhẹ nhàng chứ không bắt buộc xanh, đỏ hay vàng. Nói chung nó
mang tính chất linh hoạt trong khuôn khổ quy định nên thuận lợi cho
người dân mà vẫn rõ ràng.
Nhà siêu mỏng khi sửa phải hợp khối
* Trước đây một số nơi từ chối cấp phép xây dựng cho người
dân tại những trục đường đang chờ TKĐT. Vậy nay việc này đã thông
thoáng?
+ Nếu nói rằng phải chờ TKĐT thì gần như tất cả trục đường chưa có TKĐT
tại TP đều phải dừng việc cấp phép. Hiểu như vậy là không đúng.
Từ trước đến nay, chúng ta đã có đủ các quy định về cấp phép như Nghị
định 64/2012, Quyết định 68/2010 của UBND TP (đã được thay thế bằng
Quyết định 21/2013) nên đâu cần phải chờ đợi. TKĐT là một bổ sung nhằm
hoàn chỉnh không gian kiến trúc cảnh quan cho những trục đường quan
trọng của của TP được hài hòa, đẹp hơn.
Không phải chỗ nào TP cũng làm TKĐT mà chỉ tập trung những trục đường
mang tính động lực phát triển. Sắp tới sẽ có thêm quốc lộ 1A, cao tốc
Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 3… cần lập TKĐT.
* Một trong những mục tiêu quan trọng mà TP yêu cầu Sở QH-KT
phải gấp rút lập TKĐT cho các trục đường quan trọng nói trên là nhằm
ngăn chặn nhà siêu mỏng. Ông nghĩ khi có TKĐT thì điều này có làm được
không?
+ Khi có định hướng không gian tại TKĐT, cơ quan cấp phép căn cứ vào đó
mà từ chối cấp phép cho những trường hợp khu đất nhỏ quá, hẹp và hướng
dẫn khuyến cáo người dân cần phải hợp khối để đủ điều kiện cấp phép.
Trước đó do không có cơ sở nên sẽ rất khó giải thích và từ chối cấp phép
cho người dân.
* Những trường hợp nhà siêu mỏng đã xuất hiện rải rác tại các trục đường này sẽ được xử lý ra sao khi có TKĐT?
+ Xuất hiện nhà siêu mỏng là do quá trình giải tỏa mở đường thiếu sự
đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành liên quan. Lẽ ra những khu đất quá
nhỏ, méo mó cần được tính toán trong quá trình lập phương án mở đường
bằng cách giải tỏa, trưng dụng luôn. Nhưng vừa qua việc này chưa được
chú ý, trong khi người dân cần xây sửa lại nhà trên những mảnh đất còn
thừa lại nên mới xuất hiện những căn nhà kỳ dị.
Việc xử lý phải căn cứ vào pháp lý xây dựng như các nghị định về xử phạt
vi phạm. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nếu chưa quy định thì không
hồi tố nhưng sẽ định hướng người dân sắp tới khi chỉnh trang lại thì
phải hợp khối với các công trình lân cận.
* Xin cảm ơn ông.
* Việc công khai các đồ án TKĐT sẽ được thực hiện như thế nào, ở đâu để người dân được tiếp cận?
+ Hôm nay là hội nghị chính thức công bố các đồ án TKĐT của ba trục
đường, có sự tham dự của các quận/huyện, UBND các phường có liên quan.
Sở cũng bàn giao bản vẽ cho các cơ quan này để niêm yết công khai tại
trụ sở cơ quan cho người dân tham khảo và nắm được thông tin quy hoạch.
Theo Pháp luật TP
(Nguồn sưu tầm)