Theo các chuyên gia, đối với những nhà đầu tư đang có ý định đổ vốn vào bất động sản tại 5 huyện lên quận phải rất cẩn trọng để tránh được sự sai lệch trong đầu tư.
Giá rao bán đất tăng vọt tại 5 huyện lên quận
Mới đây đề án đầu tư xây dựng 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận đến năm 2025 đã được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông qua. Đây được xem là thông tin sẽ tạo tác động lớn đến thị trường bất động sản tại các địa phương này.
Giá nhà đất tại các khu vực này đã liên tục có biến động theo chiều hướng tăng trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt là vào giai đoạn 2017-2018. Tại thời điểm này, giá bất động sản tại đây đã bị cò đất thổi lên một cách chóng mặt, cao gấp 2-3 lần so với trước.
Cơn sốt ở thời điểm này dù có phần giảm nhưng giá rao bán nhà đất tại các khu vực này vẫn còn chênh lệch rất lớn so với giá trị thực. Điển hình như đất thổ cư tại thị trấn Đông Anh đang được môi giới rao bán tới 100-120 triệu đồng/m2, gấp cả chục lần so với thười điểm trước. Còn các khu đất nằm trong làng cũng đã được đẩy lên mức giá 30-40 triệu đồng/m2.
Mỗi m2 đất thổ cư ở huyện Hoài Đức cũng được rao bán tới 120-130 triệu đồng, tuy nhiên không có nhiều giao dịch được thực hiện.
So với thời điểm cuối năm 2018, giá đất tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện Gia Lâm đã tăng từ 1,5-2 lần, hiện đang được rao giá 40-50 triệu đồng/m2. Mức tăng giá đất thổ cư ở huyện Đan Phượng được ghi nhận ít hơn so với các huyện nằm trong đề án lên quận khác, hiện mức giá cao nhất là 60-70 triệu đồng/m2 và thấp nhất là khoảng 10-20 triệu đồng/m2.
|
Cần thận trọng trước khi quyết định xuống tiền đầu tư bất động sản tại 5 huyện sắp lên quận. |
Mỗi m2 đất mặt đường trục chính của huyện Đan Phượng hiện đang nằm ở khoảng giá 55-70 triệu đồng, đối với khu vực trong làng là 10-25 triệu đồng/m2, ghi nhận tăng hơn 30-40 % so với đầu năm 2015.
Mức giá đất trung bình của huyện Thanh Trì hiện ghi nhận cao nhất so với các huyện thị khác. Những khu vực có giá trị bất động sản cao trên địa bàn này là: Tân Triều với giá rao bán phổ biến ở mức 77 triệu/m2; liên xã Phan Trọng Tuệ là 61,9 triệu/m2; Kim Giang có mức giá là 65,4 triệu/m2; khu vực Cầu Bươu là 52,1 triệu/m2.
Cần tìm hiểu thật kỹ trước khi xuống tiền
"Tôi khuyên các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ, giá người ta chào trên mạng chỉ là giá chào thôi, giá giao dịch thực tế bao nhiêu chúng ta cần phải biết", ông Dương Đức Hiển - Giám đốc Bộ Phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội dành lời khuyên cho những nhà đầu tư đang có ý định xuống tiền đầu tư bất động sản tại các huyện nằm trong đề án lên quận.
Vị chuyên gia cho biết thêm: "Nếu tôi là người đầu tư, tôi phải gặp 10 ông chủ nhà, hỏi giao dịch gần nhất là bao nhiêu. Có nhiều người chào giá 50 triệu nhưng giao dịch thực tế 35 triệu. Mọi người nên xuống, dành thời gian đi khảo sát thị trường".
"Nhà đầu tư trước khi mua gì họ phải mất 2 tuần, gặp vài môi giới, xác định giá khu đó đúng hay không, tránh những cái đầu tư sai lệch", ông Hiển nhấn mạnh thêm.
Theo ông, giá bất động sản từ khi bắt đầu xây dựng cho đến lúc hoàn thành gần như có mức chuẩn, do đó chỉ những nơi nguồn cung khan hiếm, giá bán bị thổi lên chóng mặt mới gây ra hiện tượng sốt nóng.
Cùng quan điểm với ông Hiển, ông Nguyễn Văn Đính - Phó tổng Hội môi giới Bất động sản Việt Nam khuyến cáo, các nhà đầu tư cần phải xem xét thật kỹ càng các vấn đề về tính pháp lý, quy hoạch bất động sản trước khi đưa ra quyết định có nên đầu tư để "đón sóng" hay "chờ thời" không. Không nên đầu tư theo kiểu ào ào kẻo dính bẫy dự án ảo.
Cùng với đó, tình hình khu vực định đầu tư cũng cần phải xem xét thật kỹ xem đối tượng thực hiện các giao dịch chủ yếu là người mua thực hay giới đầu cơ. Và một điều cần lưu ý là nên đầu tư dự án của chủ đầu tư thực sự uy tín, có tính chuyên nghiệp cao.
Còn về phía chính quyền, cần phải nâng cao và đẩy mạnh hơn nữa tần suất thực hiện công tác kiểm tra, rà soát đối với chủ đầu tư dự án nhằm tạo sự minh bạch và ổn định cho thị trường. Đồng thời, phải công bố các thông tin quy hoạch đầy đủ, dự án, sản phẩm bất động sản nào được phép chuyển nhượng, cái nào không...
(Dantri)