Việc đẩy giá lên mức hơn 25 triệu đồng/m2 đã khiến căn hộ thuộc phân khúc bình dân tại TP.HCM trở thành phân khúc trung cấp, đã đẩy người mua vào thế bị "móc túi" tới cả trăm triệu đồng.
Thực trạng này đã được đưa ra tại báo cáo về tình hình thị trường bất động sản TP.HCM quý 3/2019 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
Số liệu từ báo cáo cho biết, có hơn 10.700 căn hộ mới được chào bán ra thị trường trong quý, có 10.205 căn trong số đó giao dịch thành công, đạt tỷ lệ hấp thụ xấp xỉ 95%, ghi nhận mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Phân khúc căn hộ trung cấp đạt tỉ lệ hấp thụ cao nhất với hơn 97% tổng nguồn cung toàn thị trường.
|
Biểu đồ thể hiện giá bán căn hộ trung cấp tại TP.HCM qua các quý. Nguồn: Hội Môi giới bất động sản Việt Nam. |
Tính từ cuối năm 2018 cho đến hết quý 3/2019, giá bán căn hộ thuộc phân khúc trung cấp liên tục gia tăng, từ 29,7 triệu đồng/m2 lên thành 33,7 triệu đồng/m2.
Giá bán căn hộ thuộc phân khúc cao cấp có sự phân hóa theo khu vực. Cụ thể, tại các quận 2 và 7, giá bán nằm quanh mức 60-75 triệu đồng/m2, trong khi các dự án nằm ở khu trung tâm có giá lên tới 100 triệu đồng/m2, thậm chí là 200-300 triệu đồng/m2.
Còn sản phẩm căn hộ thuộc phân khúc giá rẻ ngày càng khan hiếm trầm trọng. Nguyên nhân được Hội Môi giới cho rằng là do giá của các căn hộ bình dân đã bị đẩy lên mức hơn 25 triệu đồng/m2 và trở thành căn hộ trung cấp. Báo cáo nêu: "Tại TP.HCM, quý 3 không còn căn hộ giá thấp."
Giá căn hộ bình dân bị đẩy lên mức cao không chỉ khiến thị trường rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn hàng thuộc phân khúc này, mà còn đẩy người mua nhà vào thế bị “móc túi” tới cả trăm triệu đồng khi mua căn hộ.
|
Nguồn cung căn hộ giá rẻ tại TP.HCM ngày càng khan hiếm do giá bán bị đẩy lên cao. Ảnh minh họa |
Những căn hộ trong khoảng giá 1 tỷ đồng dường như vắng bóng trên thị trường bất động sản TP.HCM. Để mua được căn hộ tầm trung với thiết kế 2 phòng ngủ, người mua ít nhất cũng phải bỏ ra 2-3 tỷ đồng.
Cũng theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nếu như trong năm 2018 tỷ lệ nhà giá rẻ trong khoảng giá 400-500 triệu đồng còn 2% thì sang năm 2019 nguồn sản phẩm này gần như trở về con số 0.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM đang sụt giảm mạnh, riêng nhà giá rẻ không có thêm nguồn cung mới nào. Giá bị đẩy lên cao trong khi nguồn cung khan hiếm trầm trọng càng khiến cơ hội sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp bị thu hẹp dần.
Ông Châu cũng cho biết thêm, một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung sụt giảm là do thị trường đang có nhiều khó khăn. Việc cấp phép dự án kéo dài do quỹ đất của các dự án nhà ở thương mại còn xen lẫn giữa các loại với nhau: đất ở, đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Ngoài ra, chính sách rà soát lại các dự án trên địa bàn cũng khiến nguồn cung nhà ở không đáp ứng được cầu.
Từ đó, Hiệp hội kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm đưa ra kết luận đối với các dự án nằm trong diện rà soát, thanh tra để các chủ đầu tư có thể tiếp tục triển khai dự án, bổ sung thêm nguồn hàng mới cho thị trường, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.
Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị cần cho phép doanh nghiệp được triển khai các dự án nhà trọ, phòng trọ nhằm giải quyết chỗ ở cho các đối tượng là sinh viên, công nhân, lao động, những người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư trên địa bàn thành phố.
(VietnamNet)