Một trong những giải pháp hiệu quả góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trên thế giới là các dự án bất động sản ứng dụng công nghệ xanh, hướng tới sự phát triển bền vững. Dù vậy, số lượng doanh nghiệp bất động sản muốn đi theo hướng này là không nhiều bởi lo ngại các vấn đề về chi phí.
Chuyên gia cố vấn tại công ty thiết kế và tư vấn Arcadis (Thái Lan) Theo ông Leong Choong Peng nhìn nhận, cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu hiện nay có một phần "công sức" không nhỏ của ngành bất động sản. Một trong những tác nhân chính dẫn tới biến đổi khí hậu, cụ thể là chiếm đến 1/3 tổng lượng khí thải carbon trên toàn cầu đến từ sự phát triển ồ ạt của các tòa cao ốc đô thị. Hầu hết các hoạt động diễn ra trong quá trình phát triển các toà nhà, từ thiết kế, quy hoạch cho đến xây dựng, chuyển giao đều gây ô nhiễm môi trường.
Các chủ đầu tư bất động sản theo đó cũng được khuyến khích phát triển các công trình xanh để nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững bằng việc áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường trong mỗi giai đoạn phát triển dự án bất động sản.
Tại giai đoạn thiết kế - quy hoạch, các vật liệu bền vững như tre, thuỷ tinh tái chế hay cao su có thể được chủ đầu tư cân nhắc lựa chọn sử dụng. Hoặc, ứng dụng các hệ thống thân thiện với môi trường như lưu trữ năng lượng, hệ thống năng lượng mặt trời, xử lý nước thải cũng là những giải pháp tốt. Trong khi đó, hoạt động gây ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi trong giai đoạn xây dựng. Chủ đầu tư chỉ có thể hạn chế tác động bằng cách giảm bụi, giảm phát thải khí độc từ các loại máy công trình sử dụng dầu diesel, giảm tiếng ồn... Đến giai đoạn chuyển giao công trình cho người sử dụng, các hệ thống thân thiện với môi trường cũng cần được duy trì, thường xuyên kiểm tra, bảo trì để đảm bảo các hệ thống này đều được vận hành tốt.
Dù vậy, so với các tòa nhà đô thị truyền thống thì số lượng công trình xanh đến nay vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp không thực sự mặn mà với BĐS xanh do vấn đề về chi phí. Ông Choong Peng cho rằng, mức chi phí để phát triển một công trình bất động sản thân thiện với môi trường sẽ thường cao hơn từ 23-78% so với những công trình thông thường. Không đủ nguồn lực cộng thêm bài toán chi phí khiến nhiều chủ đầu tư trở nên ngần ngại trước bất động sản xanh. Đây cũng là lý do khiến các sản phẩm từng được dự đoán là xu thế của tương lai này vẫn chưa thể phát triển như mong đợi.
|
Xây dựng các công trình xanh đang là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ảnh: SergeyPeterman/Shutterstock |
Nếu có mong muốn theo đuổi sự nghiệp phát triển bền vững thì có một tin vui cho các doanh nghiệp BĐS là họ có thể tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi. Theo đó, ngân hàng UOB (United Overseas Bank) tại Singapore hồi cuối năm 2019 đã giới thiệu chương trình hỗ trợ tài chính dành cho các doanh nghiệp bất động sản muốn đầu tư công trình xanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và khuyến khích sự phát triển của các dự án xanh tại châu Á. Được biết, chương trình này tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Có khoảng 45% chủ đầu tư tại Singapore – đất nước vốn được biết đến nhờ môi trường xanh, sạch, đẹp và phần lớn người dân có ý thức cao về giữ gìn hệ sinh thái, có mong muốn phát triển dự án bất động sản xanh. Đây cũng là dấu hiệu tích cực đã tạo động lực cho các tổ chức tài chính tung ra các “khoản vay xanh” để giúp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Mục tiêu của chúng tôi là khuyến khích nhiều chủ đầu tư bất động sản đóng góp cho nền kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực trong dài hạn", ông Lam Li Min, đại diện UOB chia sẻ.
Mục tiêu của các chương trình hỗ trợ tài chính này là khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản có thêm động lực để xây dựng nhiều công trình xanh hơn, chú trọng hơn đến môi trường cũng như sự phát triển bền vững. Cùng với đó, nhiều ngân hàng sẽ tung thêm các “khoản vay xanh”, hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp hơn khi tư duy này lan rộng khắp khu vực và trên thế giới. Các doanh nghiệp vốn không đề cao phát triển bền vững cũng có thể không tiếp tục đứng ngoài xu thế.
Dù vậy, chỉ khi ngành bất động sản nhận thức được trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thì tương lai tốt đẹp này mới có thể xảy ra.
(ThanhnienViet)