Tôi cho rằng đề nghị của Chủ tịch HĐQT BIDV cũng là một trong những giải pháp chấp nhận được. Bởi nguồn vốn ngân hàng đầu tư cho các dự án BĐS khá lớn, vì vậy, việc ngân hàng khoanh nợ cho các chủ đầu tư dự án từ 1 – 3 năm để chờ qua giai đoạn khó khăn cũng là giải pháp hỗ trợ cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, giải pháp này cũng cần phải nghiên cứu kỹ và nếu không gây nhiều khó khăn cho ngân hàng thì triển khai. Trong bối cảnh ngành Ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu, vấn đề là tiềm lực của ngân hàng chấp nhận giải pháp này như thế nào. Vì hiện nay, chúng ta có cả NHTM Nhà nước và NHTMCP. Về định hướng chủ trương thì tôi cho rằng giải pháp của ông Trần Bắc Hà là đề xuất tốt, nhưng có được NHNN cho phép hay không thì chắc chắn cơ quan quản lý sẽ cần tính toán kỹ lưỡng. * Quan điểm của ông về đề xuất đẩy mạnh tăng nguồn vốn xử lý nợ xấu cho VAMC để hỗ trợ cho chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn mới? Có thể, VAMC xử lý nợ xấu liên quan các lĩnh vực khác thì nhận được tác động tích cực trở lại. Nhưng tôi không tin rằng xử lý nợ xấu liên quan tới tín dụng BĐS lại có vị thế “tính chất quyết định” tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Bởi cấu trúc nợ với BĐS của Việt Nam rất phức tạp, không hẳn chỉ là nợ từ tín dụng ngân hàng mà còn có nguồn ngân hàng đầu tư trực tiếp vào dự án BĐS; nguồn từ các DN nhỏ góp vốn vào DN lớn; người tiêu dùng góp vốn vào mua nhà trên giấy... Thành ra, tăng cường vốn xử lý nợ xấu cho VAMC cũng là giải pháp, nhưng hiệu quả không nhiều. Chúng ta phải phân tích được nợ xấu từ đâu và nợ xấu như thế nào trong BĐS. Đó là điều quan trọng để đưa ra các quyết định về giải pháp. * Nhưng rõ ràng những giải pháp từ phía ngành Ngân hàng nói riêng và của các ngành khác đã khiến thị trường BĐS đang ấm lên? Các giải pháp của chúng ta trong thời gian vừa qua đã hâm nóng, đẩy mạnh cả cung và cầu ở phân khúc nhà ở giá thấp. Thị trường đã ấm lên là chính xác. Kết quả đó là nhờ chúng ta đã đưa ra một số giải pháp như cho chuyển đổi công năng dự án; rà soát lại quy hoạch để chuyển hoặc dừng một số dự án cảm thấy chủ đầu tư không có năng lực thực hiện hoặc những dự án mà nhu cầu mua thấp, hoặc không có. Rồi những dự án mà chủ đầu tư không có năng lực cũng được thu hồi lại. Theo như báo cáo của Bộ Xây dựng thì với các giải pháp trên, năm 2013, chúng ta đã giảm từ 5 – 7% “cục nợ xấu” này. Nhưng còn một nửa khó khăn và tồn đọng của thị trường nằm ở khu vực căn hộ cao cấp, nhà phân lô. Chúng ta đang có một số giải pháp như: mở rộng cầu thị trường bằng cách cho kiều bào, người nước ngoài mua nhà ở, chỉ còn chờ Quốc hội thông qua; mở cơ chế cho phép phân lô, bán nền chứ không cần phải xây rồi mới bán. Như vậy, có thể nói để xử lý được “cục nợ xấu” BĐS trong năm 2014, cần rất nhiều giải pháp khác nhau được đưa vào áp dụng. * Có ý kiến cho rằng, năm 2014 tín dụng nên tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa vào phân khúc nhà ở trung bình, bình dân? Chính phủ cũng đã có quyết định bắt buộc các TCTD, NHTM và các định chế tài chính có trách nhiệm dành một lượng vốn tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ để cho các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội vay với lãi suất thấp hơn mức thị trường, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu thực hiện đúng như vậy thì tôi cho rằng, số vốn tín dụng cho phân khúc nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp không chỉ dừng lại ở con số 30 nghìn tỷ đồng mà còn nhiều hơn nữa. Tôi khẳng định lại, những giải pháp về cơ chế chính sách thời gian qua với thị trường BĐS phải là giải pháp mang đặc tính của “binh pháp”. Tức là chúng ta không hùng hục đi phá băng mà chúng ta đốt nóng ở nơi khác (khu vực nhà ở giá thấp – PV) mà có khả năng nóng lên. Hơi nóng từ đó lan tỏa và nó sẽ làm tan băng thị trường BĐS. Cách đi này là hoàn toàn phù hợp. * Xin cảm ơn ông! Theo Thời báo Ngân hàng (Nguồn sưu tầm)