Thông tin thị trường

Lý do khiến Hà Nội "siết" dự án bất động sản cao cấp?

14/03/2017 - 10:17

Trong năm 2017, sẽ có hơn 54.000 căn hộ gia nhập thị trường Hà Nội, một phần không nhỏ trong đó thuộc phân khúc cao cấp. Thực tế Hà Nội đang “bội thực” các dự án bất động sản (BĐS) cao cấp và cần những biện pháp ổn định thị trường.

Bội thực nguồn cung BĐS cao cấp

Hiện nay, quận Thanh Xuân là nơi có tốc độ phát triển nhà nhanh nhất Thủ đô Hà Nội. Khu vực này có tới hàng chục tòa tháp chung cư đang trong giai đoạn thi công trên tuyến phố Lê Văn Lương. Đây đều là các dự án cao cấp như The Golden Palm, Golden Palace, Hà Nội Center Point, Handi Resco, Times Tower.

Theo báo cáo của Savills, một phần không nhỏ trong hơn 54.000 căn hộ sẽ gia nhập thị trường trong năm 2017 thuộc phân khúc cao cấp. Đáng chú ý, nguồn cung chủ yếu tập trung ở khu vực phía Tây TP với các dự án The Legend Tower (Nguyễn Tuân), Imperia Garden (Nguyễn Huy Tưởng), Rivera Park (Vũ Trọng Phụng), Stellar Palace (Lê Văn Thiêm), Vicem Comatce Tower (Ngụy Như Kon Tum).

Tọa lạc ngoài vành đai 3, nhiều căn hộ đang trong quá trình hoàn thiện những chi tiết cuối cùng. Chẳng hạn như HD Mon City (Nguyễn Cơ Thạch), FLC Complex (Phạm Hùng), Goldmark City (Hồ Tùng Mậu), Eco Green City (Nguyễn Xiển),...

Hà Nội siết dự án BĐS cao cấp
Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bội thực nguồn cung căn hộ cao cấp.

Tránh đi vào “vết xe đổ”

Giới chuyên gia cho rằng, nếu vẫn phát triển tự phát và không được định hướng dài hạn, thị trường BĐS có thể sẽ rơi vào khủng hoảng như tình trạng những năm 2010. Theo đó, nhiều khu đô thị bị bỏ hoang mà không có người mua. Dòng tiền không được quay vòng và trả ngân hàng buộc các chủ đầu tư phải phá sản.

Do đó, chủ đầu tư cần có những sản phẩm BĐS phù hợp với túi tiền khách hàng để thị trường phát triển bền vững. Đặc biệt, cần quan tâm đến nhu cầu của người có thu nhập trung bình và thấp.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, các nhà đầu tư đang quá kỳ vọng vào việc người nước ngoài mua nhà theo quy định của Luật Nhà ở. Thế nhưng, hiện còn quá ít người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam bởi nhiều lý do, trong đó có vấn đề tài chính.

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, người mua căn hộ cao cấp và có nhu cầu ở không nhiều. Khách hàng chủ yếu đang đầu tư, găm giữ rồi bán ra vào thời điểm khác và điều này đặt ra vấn đê về tính thanh khoản.

Thị trường BĐS đã chứng kiến “cuộc đua” xây dựng chung cư cao cấp từ nhiều năm nay. Song, thực tế cho thấy, hàng nghìn căn hộ vẫn đang “mòn mỏi” chờ chủ nhân do tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt mức trung bình. Có thể nói, thị trường Hà Nội đã “bội thực” nguồn cung BĐS cao cấp.

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ký ban hành văn bản triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường BĐS. Cụ thể, Hà Nội sẽ thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư các dự án, nhất là các dự án BĐS cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp, biệt thự.

Mặt khác, UBND TP cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ bù đắp phần diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội còn thiếu so với kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

(Tiền phong Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm