Thông tin thị trường

Loạt chiêu lừa bất động sản kiểu Alibaba

24/09/2019 - 11:05

Số liệu của FBI cho biết, các vụ lừa đảo bất động sản hồi năm ngoái đã khiến người Mỹ mất khoản tiền gần 150 triệu USD.

Trong phiên tòa được tổ chức tại Tòa án liên bang Miami hồi đầu tháng này, Robert H. Shapiro (Mỹ) đã thừa nhận họ thực chất là một trò lừa ponzi với quy mô 1,3 tỷ USD. Với hứa hẹn mức lợi nhuận hàng năm đạt 5-10 %, Woodbridge Group of Companies - công ty đầu tư bất động sản của Shapiro đã lừa được hơn 8.400 nhà đầu tư xuống tiền. Trong đó có rất nhiều nạn nhân là những người lớn tuổi. Có ít nhất 2.600 người đã đổ gần 400 triệu USD khoản tiền tiết kiệm lương hưu vào công ty lừa đảo này, theo tài liệu của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).

Robert Shapiro cùng vợ
Ảnh chụp Robert Shapiro cùng vợ khi tham gia một sự kiện. Ảnh: Woodbridge

Cũng theo thông tin từ SEC, Shapiro và Woodbridge đã sử dụng một mạng lưới công ty ma để che giấu hoạt động lừa đảo dùng tiền của nhà đầu tư mới trả cho nhà đầu tư cũ (ponzi). Theo lời quảng cáo, mô hình kinh doanh của hắn là cho vay các chủ sở hữu bất động sản thương mại bên thứ ba với mức lãi suất phải trả cho Woodbridge mỗi năm là 11-15 %. Từ đó, Woodbridge cam kết sẽ trả cho nhà đầu tư mức lãi suất 5-10 %.

Dù khẳng định là cho bên thứ ba vay với lãi suất cao nhưng bên vay đa phần là công ty thuộc quyền sở hữu của Shapiro, không có nguồn thu và cũng không trả lãi hàng năm cho Woodbridge. Không chỉ vậy, công ty này còn tìm mọi cách để ngăn nhà đầu tư rút tiền về khi đáo hạn kèm theo chiến dịch marketing khoe khoang rằng "khách hàng liên tục tìm đến Woodbridge vì thời gian và trải nghiệm đã chứng minh được kết quả".

Các công tố viên cho biết, một phần tiền được huy động từ các nhà đầu tư đã được Shapiro sử dụng để mua một bất động sản tại Los Angeles, một máy bay riêng, các trang sức đắt tiền, các tác phẩm nghệ thuật, vườn nho và đi du lịch thế giới. Có khoảng 25-95 triệu USD trong khoản tiền huy động được Shapiro sử dụng cho bản thân và gia đình. Khoảng 64,5 triệu USD tiền hoa hồng dùng để chi trả cho các nhân viên môi giới thực hiện chạy quảng cáo với nội dung khả năng rủi ro của các khoản đầu tư này rất thấp.

Cho đến cuối năm 2017, khi Shapiro và công ty không có đủ tiền để trả cho các nhà đầu tư thì phi vụ lừa đảo mới bị vỡ lở. Sau 2 năm điều tra, Shapiro đã bị bắt vào tháng 4/2019. CNN cho biết, tại phiên tòa xử phạt, hắn đã thừa nhận về tội lừa đảo và trốn thuế, khả năng sẽ bị kết án 20 năm tù và nộp cả tỷ USD tiền phạt.

bất động sản tại Holmby Hills
Hình ảnh khối bất động sản tại Holmby Hills của Woodbridge. Ảnh: Mercer Vine

Cũng vì hành vi lừa đảo như trên mà Carl Chen - một cựu kỹ sư hóa học tại Delaware đã bị kết án 51 tháng tù vào tháng trước. Các công tố cho biết, Chen sau khi nghỉ việc ở công ty cũ đã chuyển sang hoạt động trong ngành bất động sản và thực hiện huy động vốn cho Chenmax Properties, công ty mà hắn đầu quân.

Chen đã sử dụng khoản tiền huy động được để mua các bất động sản có giá rẻ tại Delaware, sau đó cải tạo để bán hoặc cho thuê dài hạn. Các khách hàng tham gia góp vốn được Chen cam kết sẽ hưởng mức lãi 10-15 %/năm kèm theo khoản tiền gốc. Cũng theo các công tố viên, trong suốt thời gian dài, hắn đã mua hàng chục bất động sản và liên tục thanh toán cho nhà đầu tư khoản tiền lãi như đã cam kết. Chính những việc làm này mà hắn đã trở thành tấm gương thành công trong khu vực và độ tín nhiệm ngày càng cao.

Được đà, Chen tiếp tục thực hiện kế hoạch lôi kéo nhiều nạn nhân khác vào bẫy của mình. Hắn đã huy động được 6,4 triệu USD của 41 nhà đầu tư trong giai đoạn 1991-2017. Từ sau năm 2013, mô hình kinh doanh của Chen dần bị bại lộ, theo Delaware Online.

Kể từ thời điểm sau tháng 3/2013, chỉ có duy nhất một bất động sản giá 11.000USD được Chen mua. Các nhà đầu tư mới vẫn tiếp tục bị hắn lôi kéo và dùng khoản tiền thu được để trả lãi cho các nhà đầu tư cũ. Đã có từ 20 người bị trúng bẫy của hắn với khoản tiền ít nhất là 3,21 triệu USD trong giai đoạn 2013-2017.

Hắn đã tuyên bố phá sản vào năm 2017 với khoản nợ 6,7 triệu USD. Các nạn nhân của Chen cũng không hề hay biết thực sự đã có chuyện gì xảy ra cho đến khi công ty này phá sản hoặc được nhân viên FBI ghé thăm thì họ mới biết mình đã bị lừa đảo.

Nirmal Singh Bhangoo - nhà sáng lập hãng bất động sản PACL (Ấn Độ) đã bị Cục Điều tra Ấn Độ (CBI) bắt giữ vào năm 2016 vì tội lừa đảo 6,8 tỷ USD từ 55 triệu nhà đầu tư. Đây được xem là scandal tài chính lớn nhất Ấn Độ tại thời điểm đó.

PACL trước đó cũng đã bị Ủy ban Chứng khoán Ấn Độ (Sebi) ra lệnh cấm huy động thêm tiền của nhà đầu tư và trong vòng 3 tháng phải hoàn trả lại số tiền đã lấy từ những người này. PACL cam kết sẽ trả lãi cho nhà đầu tư với khoản đầu tư rót vào loại đất nông nghiệp. Khoản tiền góp vốn có thể góp một lần hoặc chia nhỏ thành nhiều đợt, theo Sebi.

Trích tài liệu của Sebi, First Post cho biết: "PACL nói rằng họ chủ yếu tham gia vào việc mua bán đất nông nghiệp và phát triển lô đất này. Mô hình kinh doanh của PACL không chỉ giới hạn ở việc kinh doanh đất nông nghiệp cằn cỗi, mà còn cải tạo chúng thành đất nông nghiệp màu mỡ". Tuy nhiên, giá trị số đất mà công ty này sở hữu trên thực tế chỉ bằng hơn 1/4 số vốn mà họ huy động được từ khách hàng.

Đến thời kỳ đáo hạn, công ty này sẽ đưa ra hai phương án là nhận tiền hoặc đất để khách hàng lựa chọn. PACL đã được CBI yêu cầu cung cấp tên của 500 nhà đầu tư một cách ngẫu nhiên. Kết quả điều tra cho thấy, có 421 người cho biết họ đã nhận được tiền mặt từ công ty này.

Thực tế này đã đặt ra câu hỏi: Vậy PACL đã hoàn trả tiền cho khách hàng bằng cách nào khi không thực hiện huy động vốn. Từ đó, CBI khẳng định đây chính xác là mô hình ponzi và những gì công ty này đã làm chỉ là lấy tiền của nhà đầu tư mới trả cho nhà đầu tư cũ mà thôi.

Tại Việt Nam, Chủ tịch Công ty CP Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện cùng em trai là Nguyễn Thái Lĩnh đã bị bắt vào tuần trước với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu kiểm tra, Cơ quan điều tra xác định, với việc lập ra 40 dự án ma, công ty này đã lừa đảo số tiền hơn 2.500 tỷ đồng từ 6.700 người.

Công ty này không sở hữu đất mà chỉ hợp tác với các cá nhân có quyền sử dụng đất để lập ra các dự án không có thật và phân lô, bán nền cho khách hàng. Giá của sản phẩm thường rẻ hơn 20-30 % so với giá chung của thị trường, sau đó Alibaba cam kết sẽ mua lại với mức lãi suất vô cùng hấp dẫn. Đến thời điểm đáo hạn, công ty cố tình kéo dài thời gian hoặc không thanh toán. Để có thể lấy lại được tiền, các nhà đầu tư phải rất khó khăn, thậm chí còn bị ép dùng ngay khoản tiền đó để tiếp đầu tư vào một dự án khác do chính doanh nghiệp thực hiện.

(vnexpress)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm