Dù vậy, sau 1 năm thành lập, liên minh này đã cùng mở bán xấp xỉ 10 dự
án và đều gây được tiếng vang về mặt truyền thông cũng như hiệu quả bán
hàng.
Mới đây, ngày 9/9/2013, thị trường tiếp tục chứng kiến sự ra đời của một
liên minh sàn giao dịch BĐS mới, có tên gọi R9+, quy mô lên đến 9 sàn.
Tham vọng của liên minh này trong giai đoạn 2013 - 2015 sẽ chiếm 10% thị
phần trên địa bàn Hà Nội.
Trên thực tế, tham vọng của Liên minh R9+ không phải không có cơ sở, khi
các DN có sản phẩm muốn mở bán hiện nay đều muốn tìm đến những đối tác
phân phối có “độ phủ” thị trường lớn và sự chuyên nghiệp trong công tác
maketing bán hàng.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Sàn Đất Xanh Miền Bắc, thành viên của
Liên minh sàn G5 cho biết, hầu hết DN làm dự án hiện vẫn còn gặp nhiều
khó khăn, nên thay vì tự mở bán sản phẩm như trước, nhiều DN đã tìm đến
những đơn vị chuyên nghiệp, có thể tư vấn giúp DN nâng cao hiệu quả
trong việc bán hàng.
Theo ông Quyết, việc tham gia vào liên minh giúp các sàn có vị thế cao
hơn. Song hoạt động của liên minh sàn cũng có không ít bất cập. Cụ thể,
mỗi sàn đều có cách làm riêng, số lượng khách hàng riêng, thậm chí cả
những “tiểu xảo” bán hàng và thu hút khách mua riêng. Trong khi đó, hoạt
động của liên minh lại đòi hỏi sự minh bạch và thống nhất trong việc
tiếp thị, bán hàng. Chỉ khi đạt được sự thống nhất, với thế mạnh của mỗi
đơn vị, việc mở bán mới mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, các liên minh sàn cũng đối mặt với khó khăn khi các DN,
ngoài việc tìm đến một liên minh sàn nào đó, còn có xu hướng chọn nhiều
liên minh hoặc nhiều đơn vị cùng tiến hành mở bán. Cụ thể mới đây, sau 2
lần tự thân mở bán không mấy hiệu quả, Sông Đà Sudico đã mời cùng lúc 5
sàn giao dịch thuộc các “liên minh” khác nhau trên địa bàn Hà Nội để mở
bán nhà liền kề, biệt thự Khu đô thị Nam An Khánh.
Một đại diện sàn giao dịch trong nhóm liên minh mở bán nhà liền kề, biệt
thự Khu đô thị Nam An Khánh cho biết, việc chủ đầu tư mời nhiều sàn
giao dịch không cùng một liên minh để mở bán sản phẩm sẽ làm tăng thêm
sự không đồng thuận. Vì vậy, để việc mở bán hiệu quả, đại diện các sàn
chắc chắn sẽ phải ngồi lại cùng nhau để thống nhất việc cùng triển khai.
Trao đổi với PV, đại diện nhiều sàn giao dịch trên địa bàn Hà Nội đều
cho rằng, xu hướng thành lập liên minh sàn giao dịch sẽ tiếp tục diễn ra
và phát triển trong thời gian tới nhằm tăng tính cạnh tranh trong việc
phân phối bán hàng.
Thế nhưng, theo một số đại diện sàn giao dịch, hoạt động của “liên minh”
dù có nhiều lợi thế cũng không thể chi phối, “bao” hết được hoạt động
của thị trường.
“Các liên minh sàn có nhiều lợi thế trong việc mở bán, quyền phân phối
bán hàng. Song nó chỉ giải quyết một phần ở thị trường sơ cấp. Trong khi
nói đến thị trường BĐS, thị trường thứ cấp mới là thị trường chiếm tỷ
trọng lớn”, ông Johnny Phạm, một đại diện của Sàn giao dịch BĐS trực
tuyến Giadia.vn nói và cho rằng, thị trường thứ cấp mang tính địa
phương, khu vực rất cao, vì thế, các sàn giao dịch nhỏ lẻ vẫn có những
cơ hội và đất sống. Trong khi những sàn trực tuyến, với sức mạnh về
truyền thông và độ phủ không giới hạn, sẽ có nhiều lợi thế trong việc
bán các sản phẩm ở thị trường thứ cấp.
Theo Đầu tư chứng khoán
(Nguồn sưu tầm)