Tờ Financial Times cho biết, trong bối cảnh giá dầu trượt dốc mạnh trong vòng 18 tháng, mây đen đang che phủ nền kinh tế của khu vực nhiều dầu lửa này. Trong vòng một năm qua, ước tính giá dầu tụt dốc đã khiến vùng Vịnh thiệt hại 360 tỷ USD giá trị xuất khẩu.
Năm 2015 mới chỉ là bắt đầu
Lĩnh vực địa ốc, các nhà thầu và ngay cả các nhà đầu nước ngoài ở vùng Vịnh đều cảm nhận rõ 'nỗi đau' mà giá dầu giảm sâu mang lại vì giá dầu ngày càng thấp buộc các chính phủ trong khu vực phải cắt giảm chi tiêu.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại vùng Vịnh, ông Masood Ahmed nhận định: “Năm 2015 là một năm khó khăn, tuy nhiên đây mới chỉ là sự khởi đầu của một quá trình điều chỉnh kéo dài nhiều năm. Tương tự, năm 2016 cũng sẽ khó khăn như thế và rồi năm 2017 và 2018 nữa. Sự giảm tốc của kinh tế vùng Vịnh chưa dừng lại trong năm tới".
Các đợt cắt giảm chi tiêu công mạnh tay đã khiến các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở Saudi Arabia - nền kinh tế lớn nhất vùng Vịnh lo ngại. Hơn nữa, việc cắt giảm ngân sách này còn đi ngược lại chính sách chi tiêu hào phóng của Riyadh lâu nay để giảm căng thẳng xã hội.
Ông Tarek Fadlallah, Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản Nomura Asset Management Middle East có trụ sở tại Dubai cho rằng: “Các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã có một năm đáng quên. Các nhà đầu tư trong nước đều mang một tâm trạng bi quan và những thông tin mới vẫn là các tin tức u ám”.
Theo ông Fadlallah: “Cắt giảm ngân sách, thắt chặt chính sách tiền tệ là điều không thể tránh khỏi, thị trường đang chờ đợi những tác động bất lợi. Các dấu hiệu về sự giảm tốc của các hoạt động kinh tế trong khu vực ngày càng rõ nét và không thể phủ nhận”.
Hiện các nước tại khu vực này cùng lúc đối mặt với giá dầu sụt giảm, lãi suất tăng ở Mỹ, cuộc chiến tốn kém ở Yemen, chính phủ các quốc gia vùng Vịnh không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải 'thắt lưng buộc bụng'.
Hiện có không ít dự án BĐS ở vùng Vịnh đang lâm vào cảnh trì trệ do tác động
gián tiếp của giá dầu giảm.
Năm 2013, thặng dư ngân sách hơn 10% GDP, các nền kinh tế GCC đã chuyển sang thâm hụt ngân sách sâu. Theo dự báo của IMF, 6 quốc gia trong GCC sẽ đối mặt mức thâm hụt ngân sách 13% trong năm nay và tương tự trong năm tiếp theo.
Các chính phủ vùng Vịnh đã tìm đến những biện pháp như đánh thuế tiêu thụ và thuế doanh nghiệp nhằm bù đắp cho sự sụt giảm nguồn thu từ dầu thô. Thế nhưng, các động thái này vấp phải sự hoài nghi của công chúng vốn đã quen với sự hỗ trợ của chính phủ, cùng đó mở ra một thời kỳ khó khăn hơn cho hoạt động kinh doanh.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định: “Đối với khu vực kinh tế tư nhân, động thái này đồng nghĩa với sự suy giảm hoạt động”.
Lĩnh vực địa ốc chịu tác động mạnh
Thực tế cho thấy, sự sa sút của kinh tế vùng Vịnh theo giá dầu được thể hiện rõ trong lĩnh vực địa ốc, ngành được coi là biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế khu vực trong thập kỷ qua.
Hiện tại, các kiến trúc sư ở vùng Vịnh đang lâm cảnh thiếu việc làm do các dự án đình trệ. Theo ước tính của tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s, giá BĐS nhà ở tại Dubai giảm từ 10-20% trong năm 2015.
Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông của Tổng công ty Xây dựng Quốc gia Trung Quốc (China State Construction Engineering Corporation - một trong những nhà thầu lớn nhất thế giới) ông Yu Tao dự báo, sự giảm tốc kinh tế sẽ kéo lùi toàn bộ thị trường xây dựng ở vùng Vịnh và điều này sẽ xảy ra vào năm tới và năm sau nữa.
Tham tán kinh tế và thương mại tại lãnh sự quán Trung Quốc tại Dubai, Bà Zhang Yi cho hay, các doanh nghiệp Trung Quốc ở vùng Vịnh, trong đó có trên 3000 công ty tại Dubai đang chịu tác động gián tiếp từ việc suy giảm giá dầu. Theo bà Zhang, nhìn chung họ đều gặp khó khăn.
Chi phí vay vốn gia tăng khi giá dầu giảm là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp kinh doanh tại vùng Vịnh gặp khó khăn. Tuy nhiên, hiện tượng này không chỉ khiến ngành BĐS khu vực điêu đứng mà các ngành khác như tài chính cũng chung cảnh ngộ.
Một lãnh đạo ngân hàng vùng Vịnh lý giải: “Nguồn thu từ dầu giảm xuống và lãi suất ở Mỹ tăng dẫn tới thanh khoản bị thắt chặt và lãi suất tăng”.
Trước thực trạng đó, các chính phủ kẹt tiền ở vùng Vịnh đã phải rút tiền gửi tại các ngân hàng trong nước để bù vào thâm hụt ngân sách. Vậy nên, trong thời gian tới, giới ngân hàng dự báo thanh khoản sẽ còn thắt chặt hơn nữa khi nguồn thu từ dầu giảm sút thêm.
Các ngân hàng trong nước và nước ngoài đang hoạt động ở các nước vùng Vịnh trong bối cảnh này sẽ phải mạnh tay sa thải nhân viên.
(VnEconomy)