Thông tin thị trường

Kiến nghị cho doanh nghiệp "siêu" nhỏ được mở văn phòng tại chung cư

04/01/2017 - 09:58

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) vừa kiến nghị cho phép doanh nghiệp siêu nhỏ được mở văn phòng tại căn hộ chung cư. Xung quanh vấn đề này hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Kiến nghị trên của HoREA xuất phát từ lý do nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp trong thanh niên. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, với những chung cư cũ, thấp tầng, tách bạch lối đi riêng đã có tập quán kinh doanh lâu đời thì cần đưa vào quy hoạch khu vực kinh doanh theo loại hình căn hộ dịch vụ trong chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để được tồn tại, phát triển.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các hộ gia đình, với những chung cư xây dựng sau khi luật Nhà ở đã có hiệu lực cần có quy định thời hạn để chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi căn hộ chung cư trong thời hạn không thấp hơn 1 năm.

Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị sửa đổi khoản 11 điều 6 luật Nhà ở theo hướng cho phép đăng ký kinh doanh doanh nghiệp siêu nhỏ, có số lao động không quá 3 người được hoạt động tại căn hộ chung cư để khuyến khích phong trào khởi nghiệp của giới trẻ.

doanh nghiệp nhỏ mở văn phòng tại chung cư
Nên cân nhắc việc áp dụng luật cấm kinh doanh tại chung cư.

Bàn về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, không cần thiết để tạo “ngách” cho người khởi nghiệp vì dễ gây hiểu nhầm trong môi trường kinh doanh đòi hỏi sự minh bạch, công bằng như hiện nay. “Khuyến khích khởi nghiệp là một chương trình lớn của nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất vay vốn, thuê đất, mặt bằng… đều có hết rồi. Tôi cho rằng, luật mới ban hành, nghị định cũng mới, mọi quy định về pháp luật trong kinh doanh đòi hỏi sự công bằng. Quan trọng là trước khi đưa thành luật đã có nhiều cân nhắc, góp ý, bàn cãi… rồi, không thể vì một kiến nghị mà lại sửa luật ngay được”, ông Long nói.

Theo chuyên gia này, mục đích xây chung cư như thế nào thì cứ thế mà làm đúng mục đích đó. Thực tế cho thấy, cuộc sống thường nhật của người sống trong chung cư đôi khi thấy rất bất tiện và không được riêng tư khi chỗ ở của họ ngày đêm lại có người ra vào hoạt động kinh doanh. Đã là chung cư thuần túy để ở thì không nên cho kinh doanh bên trong.

Có cùng quan điểm, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM), Tiến sĩ Dư Phước Tôn cho biết: “Chung cư để ở mà kết hợp kinh doanh cũng khó bởi để khách ra vào làm ảnh hưởng đến vấn đề an ninh trật tự, môi trường sống của cư dân”.

Ông Long lấy ví dụ với trường hợp của Tp.HCM có một số chung cư chỉ có 2 tầng, mặt tiền đường tại các khu vực trung tâm như Hồ Tùng Mậu, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… nên được áp dụng được thuê làm kinh doanh. Theo ông Long, nếu đã là những điểm kinh doanh truyền thống lâu đời, ổn định tại khu vực trung tâm Tp.HCM và Hà Nội thì cần nghiên cứu, lấy ý kiến của chính các chủ căn hộ xung quanh để có giải pháp tối ưu nhất.

Giám đốc Hãng luật IAM, Luật sư Nguyễn Quốc Toản cũng nêu quan điểm việc triển khai thực hiện quy định của nghị định là phù hợp. Luật sư Toản cho rằng, với một số tuyến đường, khu vực có lịch sử kinh doanh lâu đời, dùng mặt bằng tầng trệt để kinh doanh từ bao đời nay cần cân nhắc, xem xét, chứ không thể áp ngay luật một cách cứng nhắc được.

Luật sư Toản phân tích, Nghị định 99 ra đời trong bối cảnh các khu chung cư đô thị hiện đại mới xây sau này, sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã bị xuống cấp, không kiểm soát được việc cho thuê mua bán, mở nhà hàng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân xung quanh. Với các chung cư cũ có hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ thâm niên, an ninh trật tự, tuân thủ pháp luật tốt,… chưa phải là đối tượng để áp ngay luật này.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), Luật sư Trần Hữu Huỳnh đánh giá, việc chủ căn hộ cho người khác thuê căn hộ làm kinh doanh là một thỏa thuận dân sự. Thế nên, nếu ở đâu mà cộng đồng dân cư chấp nhận thì nhà nước không nên can thiệp cho áp luật để cho phép hay không.

Theo Luật sư Huỳnh: “Việc quản lý an ninh trật tự như thế nào là trách nhiệm của phía chủ đầu tư, của ban quản lý chung cư. Nếu họ quản lý an ninh trật tự tốt, cư dân không phản đối thì việc cho doanh nghiệp mở văn phòng trong chung cư cũng không có vấn đề gì”.

Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế cho hay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là nhỏ và siêu nhỏ, nếu ép họ thực hiện theo đúng luật Nhà ở sẽ rất khó vì phát sinh thêm một khoản chi phí rất lớn. Do đó, theo luật sư Toản, cơ quan quản lý nên hạn chế một số lĩnh vực, ngành nghề đặc thù gây mất an ninh trật tự như quán bar, nhà hàng,… Thực tế cho thấy, những loại hình kinh doanh này ở các chung cư ảnh hưởng đến đời sống người dân là có thật. Những doanh nghiệp nhỏ chỉ lấy chung cư làm văn phòng với mục đích lấy địa điểm giao dịch, nhận thư từ lại cấm?

Nhiều chung cư hiện nay đã áp dụng các mô hình quản lý thông minh như thẻ từ để đi thang máy đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự rất tốt.

Luật sư Toản khẳng định:"Một thông tư hướng dẫn Nghị định 99 là rất cần thiết và sớm được ban hành để giải tỏa những bức xúc trên chứ không chỉ máy móc dừng lại ở việc cho phép hay không cho phép kinh doanh tại chung cư”.

Nhìn nhận vấn đề từ góc độ người thuê nhà, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, mức sống của người Việt còn thấp, nên cơ hội kiếm tiền cho những hộ gia đình rất quan trọng. Trên thực tế, không ít hộ gia đình vẫn chọn giải pháp kinh doanh kiếm thêm thu nhập mà không ảnh hưởng đến luật pháp, an ninh đô thị… Tại các khu đô thị, việc tách bạch nhà ở và nhà làm ăn là rất khó.

“Nếu áp dụng ngay và luôn quy định này, Tp.HCM hiện có trên 2.000 doanh nghiệp đang kinh doanh trong các khu chung cư, họ sẽ đi về đâu? Chưa nói đến năm 2020, kế hoạch TP sẽ có 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp, họ sẽ khởi nghiệp ở đâu? Đây là vấn đề về lâu dài cần phải tính. Doanh nghiệp đủ lớn mạnh thì ai người ta muốn đặt trụ sở hoặc văn phòng trong chung cư”, ông Hiếu bày tỏ.

(Sài Gòn Đầu tư Tài chính Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm