Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm: 'Cơ hội mua nhà xã hội, nhà ở giá rẻ dành cho người thu nhập thấp do Báo Thanh Tra và Hiệp hội Bất động sản VN' tổ chức vào ngày 8/6 vừa qua.
Theo Phó đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Tiến sĩ Trần Du Lịch, khi thị trường BĐS 'đóng băng' thì đó chủ yếu là nhà cao cấp, còn nhà giá rẻ chưa bao giờ đóng băng. Hiện nay, nhu cầu phân khúc nhà giá rẻ vẫn rất lớn. Đất đô thị phát triển giá quá cao nên buộc các doanh nghiệp phải làm nhà cao cấp mới có lời. Đó là trở ngại lớn nhất về chính sách, khiến nguồn cung nhà giá rẻ bị hạn chế. Hơn nữa, Luật kinh doanh BĐS mới hướng đến mục tiêu chính sách phát triển nhà giá thấp chưa nhiều.
Việc phát triển hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ với nhà giá thấp tại thành phố. Như tuyến metro hiện nay không qua một khu đô thị, khu dân cư bình dân nào mà toàn đi qua các khu cao cấp. Lẽ ra, phát triển hạ tầng phải kết nối với các khu nhà giá rẻ. Kết nối giao thông, hạ tầng và dịch vụ với các khu đô thị, khu nhà giá rẻ mới khuyến khích được các nhà đầu tư tham gia làm nhà giá rẻ, để các doanh nghiệp tự bơi chỉ có 'chết'.
Mặt khác, cần tiến tới một chính sách tín dụng là trừ khoản tiền mua nhà trả góp ra không đánh thuế cho đến khi nhận nhà. Đồng thời, Chính phủ cần có những chính sách làm sao phát triển nhà ở cho thuê, đối tượng khác chuyển sang nhà giá thấp được hỗ trợ về ưu đãi thuế. Tiến sĩ Lịch phân tích: “ Năm năm tới, nhu cầu về nhà ở giá thấp là rất lớn để đáp ứng nhu cầu cho trường trình giải toả nhà ven kênh rạch, chung cư cũ rồi chỉnh trang các khu nhà ổ chuột. Nhà giá rẻ là thị trường mênh mông không biết bao giờ mới đáp ứng đủ”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên đánh thuế khoản tiền mua nhà trả góp.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu nhìn nhận, hiện nay chính sách phát triển nhà giá rẻ không đồng bộ, chỉ mang tính chất đối phó. Đơn cử như, gói 30 nghìn tỷ đồng chỉ có giới hạn về số lượng và thời gian, còn nhu cầu nhà ở thì bao la. Các chính sách và kế hoạch mang tính đối phó chứ không phải chính sách trường kỳ.
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, chính sách hỗ trợ nhắm vào một điểm duy nhất là lãi suất, rất đặt nặng về lãi suất, các nước khác trên thế giới họ không làm như vậy. Dẫn kinh nghiệm tạo lập nhà ở cho người dân nghèo ở Mỹ, Tiến sĩ Trí cho biết, nước Mỹ không có hỗ trợ lãi suất vì hiện nay lãi suất 3,4-3,5% ổn định trong 30 năm. Vì thế, Mỹ sẽ có một cơ quan quản lý nhà ở như Bộ Xây dựng của Việt Nam, đưa ra quy định không cho vay trực tiếp người mua nhà mà là phát hành bảo hiểm cho người cho vay. Trong trường hợp người đi vay vỡ nợ hoặc mất khả năng thanh toán, cơ quan này sẽ bồi thường. Do đó, rất nhiều người không có khả năng mua nhà sẽ được bảo lãnh để ngân hàng cho vay mua nhà được.
Chuyên gia này cho hay:“Họ không hỗ trợ lãi suất, 'bơm' tiền ra như ta mà hỗ trợ bằng cơ chế để người dân mua được nhà với lãi suất thấp trong thời gian dài. Theo đó, cơ chế này dựa vào 2 điều, người dân đều có số an sinh xã hội và có điểm tín dụng do những công ty lớn của Mỹ tính điểm.
Vì vậy, khi đã được cơ quan quản lý nhà đứng ra bảo lãnh cộng với điểm tín dụng tốt sẽ được ngân hàng xét duyệt cho vay mua nhà trong vòng 10 phút với số tiền cho vay đến 80% giá trị căn nhà mà không cần phải xác minh lằng nhằng như ở Việt Nam. Ở Mỹ, phần trả tiền mua nhà là gốc và lãi thì phần lãi được miễn thuế. Chính sách này tạo ra cơ chế người dân thiết tha mua nhà. Tại quốc gia này, người dân thu nhập gấp 20 lần người Việt Nam nhưng lãi suất chỉ 3,4-3,5% trong 30 năm, ở VN lãi suất được cho là ưu đãi nhất là 4,8%/năm”.
Cách làm này nếu được áp dụng tại Việt Nam sẽ giúp rất nhiều người dân nghèo đô thị, công viên chức, cán bộ... vay được tiền từ ngân hàng để mua nhà. Hiện nay, những người thuộc các đối tượng này rất khó vay tiền khi không chứng minh được thu nhập, việc làm không ổn định cũng như không có tài sản thế chấp, do đó họ thường bị ngân hàng từ chối cho vay, đặc biệt là đối với việc mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Đảng ủy viên, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng Tp.HCM, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, đến nay các văn bản của nhà nước đã nói rất rõ về chính sách, cơ chế, đối tượng... để phát triển và hưởng các chế độ chính sách. Trong thời gian qua (từ khi Luật nhà ở từ năm 2006 đến nay), Tp.HCM chấp thuận chủ trương đàu tư nhà ở xã hội có 51 dự án với trên 48.000 căn nhà ở xã hội. Giai đoạn 2011-2015 đến nay, TP đã hoàn thành 12 dự án nhà ở xã hội với tổng gần 4.000 căn hộ, xây dựng bằng vốn ngân sách có 6 dự án với quy mô 568 căn hộ và 6 dự án có vốn ngoài ngân sách với khoảng 3.318 căn hộ. TP hiện còn 39 dự án sẽ triển khai từ nay đến năm 2020 với trên 44.700 căn hộ. Trong đó, 8 dự án đã khởi công với 4.224 căn hộ, 19 dự án đã được công nhận chủ trương đầu tư, 12 dự án đã chấp thuận đầu tư.
|
(Thanh niên Online)