Thông tin thị trường

Kênh đào Panama sẽ mở cửa trở lại vào tháng 6 tới

25/03/2016 - 03:59

Sau gần 02 năm bị chậm tiến độ, dự án mở rộng và nâng cấp kênh đào Panama - con kênh giữ vai trò huyết mạch nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương - đang trong quá trình hoàn tất và dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào ngày 26/6/2016.

Tại một buổi lễ với sự tham dự của Tổng thống Panama Juan Carlos Varela ngày 23/3 vừa qua, ông Jorge Quijano, Giám đốc điều hành kênh đào Panama tái nhấn mạnh tầm quan trọng của kênh đào này như một tuyến đường quá cảnh quốc tế và nơi 'gặp gỡ của các nền văn minh'. Tuy kế hoạch mở rộng kênh đào là công việc khó khăn và khó theo kịp tiến độ nhưng dự án này đang trong quá trình hoàn thành, ông Jorge Quijano cho biết.

kênh đào Panama
Dự án nâng cấp, mở rộng kênh đào Panama đang trong quá trình hoàn thiện và dự
kiến mở cửa trở lại vào tháng 6/2016.

Kênh đào Panama là một trong những tuyến đường biển chủ chốt trên thế giới. Trên 1.000 lượt tàu hàng đi qua đây mỗi tháng với tổng lượng hàng hóa 200 triệu tấn/năm. Thống kê cho thấy, hàng năm các nước Trung Mỹ thu về khoảng 1 tỷ USD từ phí vận chuyển qua con kênh này.

Panama là kênh đào chính cho tàu thuyền đi qua cắt ngang eo đất Panama tại Trung Mỹ nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương và được biết đến là một trong 10 kênh đào tuyệt đẹp trên thế giới. Kênh đào Panama với chiều dài gần 80km, chạy từ TP Panama bên bờ Thái Bình Dương tới Colon bên bờ Đại Tây Dương, con kênh này đã làm thay đổi quá trình vận chuyển và du lịch bằng cách kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trên một dải đất hẹp ở Panama.

Từ trước tới nay, kênh đào Panama là một trong những công trình lớn và khó khăn nhất. Hoàn thành và mở cửa năm 1914, kênh đào trở thành đường dẫn quan trọng trong giao thông hàng hải quốc tế. Hàng năm có trên 14.000 tàu thuyền đi qua đây. Từ năm 2007, dự án nâng cấp, mở rộng kênh đào Panama chính thức khởi công với kinh phí đầu tư 5,25 tỷ USD nhằm tiếp nhận các tàu trọng tải cỡ lớn. Cụ thể, một âu thuyền thứ 3 sẽ được xây dựng làm tăng gấp đôi công suất khai thác của kênh. Dự án này được kỳ vọng sẽ tối đa hóa vị trí chiến lược của quốc gia để trở thành một trung tâm hàng hải quốc tế và thương mại toàn cầu. 

Thế nhưng, tiến độ triển khai dự án đầy tham vọng này đã bị chậm lại gần 02 năm so với kế hoạch ban đầu là năm 2014 bởi các cuộc đình công và tranh cãi liên quan đến khoản phí phụ trội giữa giới chức quản lý kênh đào và Tập đoàn Xây dựng đa quốc gia GUCP - liên minh các công ty thầu dự án.    

(Đại Đoàn kết)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm