Thông tin thị trường

Hàng trăm ha đất được Công ty Alibaba biến hóa ra sao?

20/09/2019 - 08:43

Công ty địa ốc Alibaba đã tự vẽ ra các dự án đất nền ngay trên đất nông nghiệp, đất đường cao tốc, thậm chí là đất quy hoạch nghĩa địa để rao bán, lừa tiền của khách hàng.

Không còn tấp nập như trước, quang cảnh các văn phòng Công ty CP địa ốc Alibaba nằm trên địa bàn huyện Long Thành (Đồng Nai) trở nên đìu hiu, vắng vẻ trong sáng ngày 19/9. Từng được giới thiệu là đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam, là "cửa ngõ vào sân bay quốc tế Long Thành", nhưng trụ sở của dự án xây dựng trái phép tại xã Long Phước này đã bị tháo dỡ theo quyết định xử phạt của cơ quan chức năng.

Văn phòng xây dựng trái phép
Văn phòng xây dựng trái phép tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai trong quá trình tháo dỡ. Ảnh: Phước Tuấn.

Dọc theo 2 bên con đường nhựa chừng 5m dẫn vào dự án là khu đất trống, có lác đác vài cây xanh mới được trồng. Các bảng hiệu, vật dụng xây dựng, xe container... nằm lăn lóc trên nền đất vắng chủ. Người dân địa phương cho biết, 2 năm trước dự án được triển khai với hàng loạt các bảng hiệu bắt mắt giăng khắp nơi và thường xuyên có nhiều ô tô đưa khách đến tham quan tấp nập.

Tuy nhiên, hiện nay các dự án trên địa bàn xã đều rơi vào cảnh hoang vắng. Ông Dương Bình, cán bộ địa chính xã Long Phước cho hay: "Tất cả dự án được phân lô và rao bán trên giấy với nhiều tiện ích và tiềm năng. Tuy nhiên, khi đi thực tế thì chỉ là miếng đất nông nghiệp được người dân chuyển nhượng lại cho các cá nhân trong công ty Alibaba, sau đó rao bán mà không thấy xây dựng gì".

Ông Bình cho biết thêm, công ty này có khoảng 19 dự án trên địa bàn xã nhưng hiện chưa có một dự án nào được ra sổ và xây nhà như đã hứa. Vị cán bộ nói: "Nhiều người dân xin phép hiến đất làm đường rồi chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Thái Lĩnh. Sau đó ông này vẽ dự án trái phép để mở bán tại TP.HCM, chưa được chấp thuận của chính quyền địa phương".

Còn theo thông tin từ ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND huyện Long Thành, hạ tầng của các dự án trên địa bàn đều chưa có. Huyện đã xử lý một số trường hợp vi phạm như: tự ý san lấp đất nông nghiệp để làm đường giao thông, tự ý xây nhà trái phép trên phần đất nông nghiệp. Vị Chủ tịch nói: "Những dự án làm đường hạ tầng hay văn phòng trái phép đang được tháo dỡ".

dự án của Alibaba
Tấm biển quảng cáo dự án của Alibaba tại xã Long Phước, huyện Long Thành nằm lăn lóc trên nền đất bỏ hoang. Ảnh: Phước Tuấn.

Ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định, toàn bộ 29 dự án địa ốc với gần 80 ha của Alibaba trên địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc đều là dự án ma. Vị Giám đốc Sở nói: "UBND tỉnh đã chỉ đạo các xã, huyện quản lý cắm bảng hiệu cảnh báo cho người dân biết phòng tránh nhiều năm nay. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản, xử lý".

Song, ông Đức cũng cho rằng, việc quản lý vấn đề này khó gặp phải khó khăn do người dân không đến trực tiếp cơ quan chức năng để tìm hiểu đã vội xuống tiền mua theo lời quảng cáo của bên bán. Ông cho biết thêm: "Chúng tôi chưa hề nhận được phản ánh của người dân về việc mua đất công ty này. Để tránh việc lừa đảo, Sở cũng đã phối hợp với các ban ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền cảnh báo đến với người dân".

Lợi dụng kẽ hở tại quyết định năm 2017 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy định về tách thửa 500m2, có 8 khu đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm hơn 70ha tại TX. Phú Mỹ do các cá nhân đã đứng tên sở hữu được ủy quyền cho công ty con của Tập đoàn địa ốc Alibaba đứng ra rao bán.

Sau khi làm vỉa hè, kéo điện, làm đường giao thông, công ty này đã lập ra "khu dân cư Alibaba" và rao bán các nền đất do Công ty CP địa ốc Alibaba độc quyền phân phối.

Đáng chú ý trong số đó là khu đất hơn 13ha của ông Nguyễn Ngọc Sự (Hà Nội) nằm trên địa bàn xã Châu Pha đã bị Công ty này ngang nhiên biến thành "dự án Alibaba Tân Thành Center City 1". Cùng với đó là "dự án Alibaba Tân Thành Center City 5" do ông Nguyễn Thái Lực (em trai ông Nguyễn Thái Luyện) sở hữu cũng được làm hạ tầng trái phép và rao bán nền rầm rộ.

Địa ốc Alibaba rao bán trái phép
Dự án đất nền hơn 13ha nằm trên địa bàn TX. Phú Mỹ được Địa ốc Alibaba rao bán trái phép. Ảnh: Nguyễn Khoa.

Cản hai dự án trái phép này đều bị chính quyền điah phương cưỡng chế phá dỡ hạ tầng hồi giữa tháng 6 và cuối tháng 7. Qua điều tra, Công an Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, có tất cả 3.333 nền đất đã được Công ty CP địa ốc Alibaba giao dịch thành công với tổng số tiền hơn 771 tỷ đồng. Điều đáng nói là dù chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo "dự án ma" nhưng người dân vẫn lao vào mua.

Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ Nguyễn Văn Thắm cho biết, địa phương đã cưỡng chế tất cả các khu đất được phân phối nền trái phép của Công ty CP địa ốc Alibaba và khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu. Những khu đất được rao bán trái phép này là đất trồng cây lâu năm, đất quy hoạch đất ở nông thôn, khu công nghiệp, đường cao tốc, thậm chí là nghĩa địa.

Dự án Alibaba Thắng Hải Newstimes City được Alibaba lập ra ở Bình Thuận hồi 2 tháng trước thực chất là khu đất trồng keo lá tràm. Tuy nhiên, dưới sự quảng bá của Alibaba, nơi này sẽ là "một Singapore thu nhỏ" trong tương lai, cách trung tâm xã Thắng Hải (huyện Hàm Tân) khoảng 1km, có quy mô 1.800 nền thổ cư với giá bán khoảng 1,9 triệu đồng/m2.

Theo thông tin từ ông Lê Sanh - Chủ tịch UBND xã Thắng Hải, chỉ một phần nhỏ thuộc khu đất này gần 32ha được quy hoạch khu dân cư, còn lại đều là đất nông nghiệp và hiện mục đích sử dụng trong sổ đỏ vẫn là đất nông nghiệp. Vị Chủ tịch khẳng định: "Hoàn toàn chưa có công ty nào đăng ký dự án phân lô bán nền. Alibaba Thắng Hải NewTimes City là dự án 'ma', không có thật trên địa bàn".

khu đất được Alibaba rao bán
Biển báo dự án ma được UBND xã Thắng Hải cắm ngay cạnh khu đất được Alibaba rao bán rầm rộ. Ảnh: Việt Quốc.

Tập đoàn Alibaba cũng đã rao bán dự án Ali Venice City có diện tích 179ha thuộc xã Tân Phúc với giá 120-190 triệu đồng/nền 100m2, tùy vị trí. Khu đất này hiện chỉ còn lại nhà vòm trồng rau, vài căn nhà gỗ, lối đi, tiểu cảnh và cây lâu năm. Chủ tịch UBND xã Tân Phúc - bà Phạm Thị Hải cho hay: "Chính quyền địa phương đã cho cắm bảng cảnh báo ở khu đất này để giúp người dân không bị lừa đảo".

Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận khẳng định, cả 2 khu đất được Công ty CP địa ốc Alibaba rao bán và đưa khách đi tham quan rầm rộ suốt thời gian qua đều là đất nông nghiệp, không hề có đăng ký thực hiện dự án. Còn dự án Ali Venice City thực chất là dự án Thiên Thai Gia Trang của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tự Cường. Tuy nhiên, Thiên Thai Gia Trang vẫn chưa thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng cũng như quy hoạch dự án.

Công ty TNHH Sản xuất - Thương Mại Tự Cường cũng chưa nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng đối với các hạng mục công trình đã triển khai ở khu đất trên lên Sở Xây dựng.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận Cao Sơn Dũng cho biết việc kiểm tra, UBND xã Tân Phúc và huyện Hàm Tân có trách nhiệm trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Đối với một số nội dung liên quan đến dự án Thiên Thai Gia Trang hiện đang được Thanh tra tỉnh vào cuộc kiểm tra tình hình thực tế.

Ông Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Alibaba và em trai Nguyễn Thái Lĩnh - Giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba đã bị Công an TP.HCM bắt giữ về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015 vào ngày 18/9 vừa qua.

Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng cho biết Công ty CP địa ốc Alibaba và các công ty thành viên do Nguyễn Thái Lĩnh cùng đồng phạm lập nên đã vẽ ra nhiều dự án bất động sản không tồn tại ở một số tỉnh phía Nam để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

(vnexpress)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm