Với nguồn cung và công suất thuê đều tăng, thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội đã có một quý đầu năm sôi động. Đồng thời, thị trường cũng ghi nhận những chuyển biến rõ rệt về cơ cấu khách hàng cũng như sự nở rộ của thương mại điện tử.
Báo cáo của Savills chi biết, nguồn cung mặt bằng bản lẻ khu vực nội thành gia tăng trong 3 tháng đầu năm 2019. Đáng chú ý, giá thuê khối đế bán lẻ tăng mạnh nhất, trung tâm mua sắm có công suất thuê cao nhất. Hầu hết nguồn cung trong tương lai đều tập trung ở phía Tây Hà Nội. Trong khi đó, khu trung tâm và phía Đông sẽ không có nguồn hàng mới trong 2 năm tiếp theo.
Quản lý cấp cao bộ phận Cho thuê Thương mại, bà Hoàng Diệu Trang cho hay, thị trường Hà Nội đang được các thương hiệu bán lẻ cao cấp quốc tế quan tâm. Vậy nhưng, để có thể đáp ứng được yêu cầu của đối tượng khách thuê này, hiện thị trường còn thiếu mặt bằng bán lẻ chất lượng. Từng loại hình và phân khúc của thị trường cũng có những chuyển biến đáng kể.
Giá thuê khối đế bán lẻ tăng mạnh
Trong quý I/2019, tổng nguồn cung khối đế bán lẻ vào khoảng 1,4 triệu m2. Khu vực nội thành chiếm 46% thị phần với 16.000m2 bổ sung từ 1 dự án. Xét theo quý và theo năm, giá thuê gộp trung bình tầng trệt lần lượt tăng 2 % và 20%. Công suất thuê giảm -1 điểm % theo năm và tăng 2 điểm % theo quý. Công suất thuê khối đế bán lẻ tại các khu dân cư cao khiến xu hướng phát triển nhà phố thương mại khối đế gia tăng.
Cơ cấu khách thuê đa dạng
|
Thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội ghi nhận nguồn cung lẫn công suất thuê đều tăng trong quý I/2019. (Ảnh minh họa) |
Hiện nay, không ít trung tâm mua sắm đang thay đổi thành tổ hợp trung tâm cộng đồng, giải trí, thư giãn rất đa dạng. Khách thuê thuộc ngành giải trí đang mở rộng nhanh chóng, hấp dẫn nhiều nhóm khách hàng. Nhiều trung tâm mua sắm tích hợp thêm dịch vụ spa, trung tâm giáo dục, trung tâm thể dục thẩm mỹ, phòng trưng bày nghệ thuật. Lưu lượng khách đến trung tâm cũng như doanh thu bán hàng được kỳ vọng tăng cao nhờ sự kết hợp giữa các ngành thời trang, ẩm thực, giải trí, điện tử, nội thất và những dịch vụ không thuộc ngành bán lẻ.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử
Theo thời gian, phong cách sống của người tiêu dùng chuyển biến liên tục. Do đó, để có thể kịp thời nắm bắt những xu hướng mới nổi, các nhà bán lẻ cần phải đầu tư, cải tiến dịch vụ. Nhằm thu hút khách mua, giới bán lẻ hiện đang đẩy mạnh hoạt động trên mạng xã hội. Dự kiến thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh, đứng đầu hiện nay là các tập đoàn lớn của Trung Quốc.
Trong năm nay, Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 9% tổng mức bán lẻ, đồng thời giữ vững vị trí thứ hai cả nước về chỉ số thương mại điện tử. Cùng với đó, TP đặt kỳ vọng dân số tham gia mua sắm trực tuyến chiếm tỷ lệ 68% số người dùng Internet; 95% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử; 25% cửa hàng xăng dầu và 85% cơ sở bán lẻ chấp nhận không dùng tiền mặt để thanh toán.
Triển vọng từ những dự án lớn
Sẽ có 22 dự án (364.000m2) được đưa ra thị trường đến năm 2020. Đặc biệt, những dự án thuộc các tổ hợp nhà ở được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khả quan. Aeon Mall Hà Đông, Lotte Mall... là những dự án quy mô lớn, phát triển chuyên nghiệp nhận được nhiều mong đợi bởi có thể tác động lớn tới các khu vực xung quanh. Với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, tăng trưởng GDP bền vững và người tiêu dùng cao, triển vọng kinh tế dài hạn sẽ duy trì xu hướng tích cực. Dự báo, số lượng các nhà bán lẻ quốc tế tham gia thị trường sẽ tăng lên trong bối cảnh thương mại được cải thiện.
(Enternews.vn)