Mua căn hộ ở khu vực quá tải về hạ tầng giao thông tại Hà Nội, hiện không ít nhà đầu tư đang phải chấp nhận bán "cắt lỗ" hàng trăm triệu triệu đồng để thoát hàng.
Cuối năm 2016, anh Trung mua một căn hộ tại dự án ở khu vực Nhân Chính (Hà Nội) ngay trong đợt mở bán đầu tiên của chủ đầu tư nhằm "lướt sóng" kiếm lời. Trước khi quyết định xuống tiền, anh Trung đã nghiên cứu rất kỹ cũng như kỳ vọng sau khi một số tuyến giao thông ở khu vực này được mở rộng như tuyến Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng,... giá bán dự án sẽ tăng cao.
Nhà đầu tư này chia sẻ: "Lúc bấy giờ, tôi đánh giá dự án có tiềm năng tăng giá tốt sau khi các tuyến giao thông đó được hoàn tất vào 2017". Do đó, tuy phải chịu giá chênh nhưng anh Trung vẫn quyết định giao dịch. Thế nhưng, sau khi nhận bàn giao, anh vẫn chưa thể sang tên căn hộ này dù đã rao bán nửa năm nay.
Gần đây, thông tin Hà Nội sẽ loại bỏ dự án mở rộng đường Nguyễn Tuân trong năm 2017 khiến anh như "ngồi trên đống lửa". Theo anh Trung: "Điều đó cũng đồng nghĩa, trong vòng 1 năm tới, tuyến đường chưa được mở rộng, hơn nữa hạ tầng khu vực này lại đang quá tải thì căn hộ của tôi đầu tư có thể phải bán cắt lỗ".
Cũng tại khu vực Nhân Chính, anh Tuấn (một nhà đầu tư khác) đã mua 2 căn hộ của một dự án được 3 năm. Hiện tại, dự án này đã bàn giao nhà. Tuy vậy, đây là khu vực được đánh giá yếu kém về hạ tầng giao thông. Đặc biệt, các dự án mở rộng tuyến đường Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng chưa có động thái mới nên khu vực này bị coi như "điểm đen" giao thông, ùn tắc như cơm bữa. Chưa kể, công trình còn vướng tranh chấp với chủ đầu tư. Chính vì thế, anh Tuấn đang phải chấp nhận bắn cắt lỗ hơn 300 triệu đồng/căn, song vẫn chưa giao dịch được.
Anh Tuấn đánh giá: "Một điểm bất lợi nữa là khu vực này hiện nay có quá nhiều dự án vừa mới hoặc sắp được tung ra thị trường. Do đó, nếu vẫn tiếp tục chờ đợi thêm tôi e rằng giá sẽ giảm tiếp khi nguồn cung ngày một lớn, mức độ cạnh tranh cao. Dự án mới được tung ra cũng đồng nghĩa hạ tầng khu vực này ngày một quá tải và giá có thể giảm sâu hơn".
Mua căn hộ tại các dự án gần "điểm đen" giao thông, nhà đầu tư chấp nhận bán cắt lỗ để
thoát hàng. (Ảnh minh họa: Ngọc Thành)
Bên cạnh đó, trục đường Lê Văn Lương đến Tố Hữu cũng được coi là một trong những tuyến quá tải nhất về hạ tầng giao thông tại Hà Nội. Thực tế cho thấy, hàng chục cao ốc san sát nhau đã và đang "mọc lên" trên tuyến đường này. Ước tính có tới 30 chung cư cao tầng tọa lạc ở mặt đường Lê Văn Lương kéo dài khoảng 1km, quy mô 6 làn xe. Thời gian tới, thực trạng này cũng sẽ xảy ra tại đường Tố Hữu với các tòa nhà cao trên 20 tầng. Ngoài ra còn có hàng chục dự án khác gồm cả nghìn căn hộ chưa được triển khai, chờ cơ hội gia nhập thị trường khi đã "chín muồi".
Theo chủ đầu tư một dự án ở khu vực Nhân Chính, ban đầu, kế hoạch bán hàng của đơn vị này chỉ 1 năm. Vậy nhưng, nay đã gần 2 năm mà doanh nghiệp mới bán được 40% số căn hộ. Nếu dự án bán chậm 1 năm so với kế hoạch dự kiến thì doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm chi phí khoảng 1,2- 1,5 triệu đồng/m2 sản phẩm, chủ đầu tư cho hay.
Vị này tiết lộ: "Thời điểm mới mở bán, có tháng cao điểm bán 50 căn hộ. Song, từ đầu năm đến nay, có tháng chỉ bán được 8 căn. Nhất là, sau khi có thông tin tuyến đường Nguyễn Tuân sẽ chưa được mở rộng trong năm 2017, nhiều khách hàng dự định xuống tiền trước đó cũng tạm hoãn giao dịch".
Là nhân viên kinh doanh một sàn bất động sản tại Hà Nội, anh Hải cho biết, anh tham gia bán khá nhiều dự án ở khu vực Nhân Chính và dọc đường Lê Văn Lương trong năm 2016 nhưng từ đầu năm nay anh chuyển sang cộng tác với các đơn vị phân phối dự án ở khu vực khác.
Anh Hải nhận định: "Nhắc đến khu vực này, cả người mua nhà để ở lẫn nhà đầu tư đều không mặn mà, do vậy việc tư vấn để chốt được khách rất khó khăn. Tại khu vực này, không ít nhà đầu tư còn đang phải cắt lỗ nhưng chưa được".
Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam, ông Phạm Đức Toản, hiện mức độ cạnh tranh tại các tuyến đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương, Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu vào loại nhất Hà Nội. Đồng thời, vị này cũng thừa nhận việc có nhiều nhà đầu tư "lướt sóng" ở khu vực này đang bị "mắc cạn" bởi hạ tầng quá tải trong khi nguồn cung tràn ngập.
Ông Toản cho hay: "Riêng khu vực Trung Hòa - Nhân Chính lúc nào cũng có khoảng gần chục dự án trong tình trạng mở bán. Chưa kể hàng chục dự án khác chưa giới thiệu sản phẩm hoặc tổ chức bán hàng. Trong khi với hạ tầng hiện tại thì đã không thể cõng nổi số các dự án hiện hữu".
Theo lãnh đạo EZ Việt Nam, khi mở bán một số dự án khu vực này đã quảng cáo dựa trên các tuyến đường còn nằm trên giấy vào khoảng 3-4 năm trước. Song, dù dự án đã bán hết hàng, thậm chí đã bàn giao nhà cho người mua nhưng vẫn chưa xuất hiện tuyến đường nào mới.
Thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông luôn có ảnh hưởng số một đến tiêu thụ hàng hóa bất động sản. Vậy nên, nếu không có đột phá về việc mở rộng các tuyến đường thì thị trường nhà đất khu vực này sẽ chịu áp lực giảm giá, sớm xuất hiện làn sóng thoát hàng.
(Vnexpress)