Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc tiếp tục có công văn lần 2 gửi các cấp chính quyền TP Hà Nội và các sở, ngành chức năng đề nghị dừng phá dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực.
Mặt khác, doanh nghiệp đề nghị được tháo dỡ cẩu trục tháp, vận thăng lồng tại công trình do vị trí lắp đặt cẩu trục thuộc khu vực nhiều dân cư, giao thông đông đúc trên tuyến đường Trần Phú - Nguyễn Thái Học. Bởi nếu không tiến hành tháo dỡ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và mất an toàn cho người dân tham gia giao thông trên tuyến đường xung quanh cũng như sinh sống trong khu vực liền kề với công trình.
Được biết, trước đó, vào ngày 13/1/2017, công ty cũng đã có Công văn số 01/2017/CV-PB về việc này.
Khu vực sàn tầng 19 cao ốc 8B Lê Trực đã phá dỡ xong. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
Về lý do dẫn đến đề xuất lần 2 trên, theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc, sau hơn 6 tháng được UBND quận Ba Đình giao nhiệm vụ thiết kế phương án phá dỡ phần vi phạm giai đoạn 2 của công trình 8B Lê Trực, tuy nhiên sau nhiều cuộc họp và làm việc các bên liên quan, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Đại học Xây dựng vẫn chưa đưa ra được phương án phá dỡ để xin ý kiến các ngành chuyên môn và các nhà khoa học.
Trong khi đó, chỉ có đơn vị này và chủ đầu tư mới có bản vẽ thiết kế gốc của tòa nhà. Thế nên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc nhận thấy việc phá dỡ giai đoạn 2 nếu tiến hành nguy cơ mất an toàn rất cao và tiếp tục đề xuất dừng phá dỡ giai đoạn 2.
Sai phạm của chủ đầu tư xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực là quá rõ ràng. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND TP Hà Nội xử lý vi phạm tại dự án này.
Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định rằng, vi phạm tại công trình 8B Lê Trực là trường hợp rất điển hình mà cả nước biết đến và TP đã kỷ luật nhiều cán bộ. Mặt khác, TP cũng đưa ra thông điệp chỉ đạo các lực lượng chức năng của TP, quận Ba Đình phải có giải pháp thiết kế an toàn, tiếp tục phá dỡ theo phê duyệt của Bộ Xây dựng.
Song, lãnh đạo TP và các nhà chuyên môn nhận định, việc phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực không dễ dàng khi mà vừa phá dỡ hầu hết các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà vừa phải đảm bảo kết cấu của tòa nhà lúc đưa vào sử dụng.
Với tiến bộ khoa học hiện nay, yêu cầu đó hoàn toàn có thể đáp ứng được. Song, vấn đề không nằm ở kỹ thuật phá dỡ mà cơ chế cho việc phá dỡ thế nào cho ổn thỏa, phù hợp với các quy định hiện hành.
(Vietnam+)