Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội cho biết, chỉ tính riêng tuyến đường Lê Văn Lương hiện TP đã cấp phép cho 33 dự án chung cư cao tầng.
Đường Lê Văn Lương đoạn giao từ Đường Láng đến ngã tư Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân) dài 1km nhưng phải "cõng" 33 dự án chung cư cao tầng với mật độ dân số trên 100 nghìn người.
Các tòa nhà mọc lên san sát trên tuyến đường Lê Văn Lương.
Đó là các dự án: Dự án nhà ở ban cơ yếu chính phủ, trụ sở văn phòng HUD (32 tầng), chung cư Tập đoàn Đại Dương (21 tầng), nhà ở (HACCI cao 25 tầng), công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng (Công ty TNHH MTV kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội cao 25 tầng); nhà ở Tổng công ty Coma (25 tầng); chung cư cao tầng của Công ty CP dịch vụ và kinh doanh bất động sản HN cao 32 tầng; tòa nhà trung tâm thương mại 32 tầng (Hadinco); tòa chung cư của Công ty CP đầu tư và thương mại Vneco Hà Nội cao 35 tầng; tổ hợp tòa nhà cao tầng Sunrise cao 25 tầng; nhà chung cư của Công ty CP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và đô thị 18; tòa nhà trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê của Công ty CP phát triển xây dựng và XNK Sông Hồng cao 16 tầng….
Trong số các dự án nêu trên, có 15 dự án chưa được triển khai, trong đó có 4 tòa nhà tái định cư. Nếu 15 tòa nhà này được xây dựng xong, tính sơ bộ sẽ có khoảng 40 nghìn dân chuyển về khu vực này sinh sống.
Thực tế cho thấy, việc phê duyệt các dự án bất động sản dày đặc trên tuyến đường Lê Văn Lương đang khiến cơ sở hạ tầng tại khu vực này quá tải. Phóng viên thông tin, vào các buổi chiều tan tầm từ 5h chiều đến 7h tối, toàn bộ tuyến đường và vỉa hè đều tắc nghẽn. Việc di chuyển trên 1km đường này người dân mất ít nhất khoảng 15-20 phút mới có thể thoát được. Điều này đã trở thành nỗi khiếp đảm của người dân khi tham gia giao thông tại đây.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, vì sao trên tuyến đường này lại có nhiều dự án chung cư cao tầng được phê duyệt? Theo đại diện một đơn vị cấp phép, các dự án được phê duyệt đều căn cứ vào quy hoạch tầm nhìn 2030. Khi phê duyệt đều tính toán cụ thể và chuẩn xác các chỉ tiêu cây xanh, giao thông…/đầu người. Trong trường hợp hệ thống hạ tầng giao thông được xây dựng hoàn chỉnh và khớp nối vào tuyến đường Lê Văn Lương sẽ không phải lo việc tắc đường.
Có nghĩa là, do các dự án xây dựng quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông không theo kịp nên mới xảy ra tình trạng quá tải như hiện nay.
Bàn về vấn đề này, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, TS. Đào Sỹ Nghiêm - nguyên kiến trúc sư trưởng TP cho rằng do chúng ta chưa lường trước được sự đồng bộ khởi động của các dự án sau khi tuyến đường Lê Văn Lương đi vào sử dụng, chưa tính được việc kết nối của tuyến đường này với các đường phân chia khu vực. Như vậy, để giái quyết thực trạng trên, trước hết phải nhìn nhận, đánh giá lại và phải có cơ chế quản lý, kết hợp tuyến đường Lê Văn Lương với các đường giao khu vực lân cận. Kế đến, cần rà soát lại tiến độ các dự án. Phải xem tốc độ phát triển dự án có đồng bộ với việc kết nối giao thông giữa tuyến Lê Văn Lương và các tuyến đường đô thị cũ để xác định tiến độ đầu tư, khai thác các dự án.
(VnMedia)