Hiện mức giá thuê thuộc sở hữu Nhà nước quá thấp, khiến ngân sách Nhà nước bị thất thoát một khoản không nhỏ.
Pháp luật của nước ta quy định, với quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước chưa được cải tạo lại, bảng giá cho thuê nhà sẽ do UBND tỉnh, TP ban hành. Như trường hợp ông Hoàng Văn Nghiên, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thuê biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa với giá chỉ 500.000 đồng/tháng là căn cứ trên bảng giá thuê được UBND TP. Hà Nội ban hành năm 2008.
Giá thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước thấp là do quy định
Năm 2008, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 35 quy định về bảng giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước chưa được xây dựng, cải tạo lại. Theo đó, mức giá thuê được ban hành rất cụ thể và rất thấp.
Cụ thể, với nhà biệt thự, giá cho thuê biệt thự hạng I là 11.300 đồng/m2 sử dụng/tháng; hạng II 13.500 đồng/m2/tháng; hạng III 15.800 đồng/m2/tháng và hạng cao nhất (hạng IV), giá cho thuê cũng chỉ 24.800 đồng/m2/tháng.
Với loại nhà thông thường, nhà cấp I có giá 6.800 đồng/m2/tháng; nhà cấp II, III, IV, giá thuê tương ứng là 6.300 đồng, 6.100 đồng và 4.100 đồng/m2 sử dụng/tháng.
Đến nay, Quyết định số 35 này vẫn còn hiệu lực, nghĩa là như trường hợp của ông Hoàng Văn Nghiên thuê nhà với giá thuê thấp như vậy là hoàn toàn đúng quy định.
Quy định về giá thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại các tỉnh, TP đều rất thấp.
Ảnh: Thế Kha
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trước đây chưa có hướng dẫn, tính toán giá nhà ở thuộc đối tượng nhà sở hữu của Nhà nước, không chỉ trường hợp của ông Hoàng Văn Nghiên mà tất cả các trường hợp thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước cũng chỉ phải trả mức tiền thuê rất thấp.
"Vì thấy bất cập như vậy nên Bộ Xây dựng đã đề nghị tính toán lại giá thuê nhà, hướng dẫn cách tính giá thuê giá thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Thậm chí, một vị lãnh đạo thuộc Bộ Xây dựng còn cho biết bản thân ông trước đây cũng từng thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước với giá thuê nhà cả năm chỉ bằng vài bao thuốc lá", ông Nam chia sẻ.
Giá thuê nhà sở hữu Nhà nước thấp như vậy là vô lý!
Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận xét, bảng giá thuê như trên chứng tỏ TP. Hà Nội đã duy trì giá nhà cho thuê rất vô lý. "Với việc giá nhà đất tăng như hiện nay thì cần phải có sự điều chỉnh lại giá thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho sát với thị trường. Cần phải tiến hành rà soát xem trên địa bàn Hà Nội, nếu thấy còn trường hợp nào thuê với giá rẻ như thế thì phải điều chỉnh ngay để tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước", ông Liêm đề xuất.
Ông Liêm cũng cho rằng, việc ông Nghiên thuê nhà giá rẻ trong suốt thời gian dài không phải lỗi ở phía ông Nghiên mà lỗi nằm ở cơ quan quản lý Nhà nước khi không điều chỉnh hay đề xuất điều chỉnh lại mức giá thuê cho hợp lý hơn. "Nếu cho thuê nhà quá rẻ, trái quy định thì phải xử phạt người có trách nhiệm trong việc cho thuê nhà", ông Liêm nhấn mạnh.
Đồng tình với ông Liêm, một chuyên gia từng công tác tại Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp ông Hoàng Văn Nghiên đến nay vẫn chưa giải quyết xong là thiếu sót của UBND TP. Hà Nội. Theo vị này, đúng ra, UBND TP. Hà Nội không hủy hợp đồng thuê nhà với ông Nghiên thì phải điều chỉnh giá thuê nhà. Để vụ việc kéo dài tới 7 - 8 năm, ông Nghiên không chịu trả nhà vì lý do chưa tìm được nơi ở mới phù hợp nhưng vẫn không điều chỉnh giá cho thuê là rất vô lý.
Bộ trưởng cũng không được cấp nhà
Một vị lãnh đạo của TP. Hà Nội cho rằng, ông Hoàng Văn Nghiên trước đây là Ủy viên Trung ương, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nhận lương và hàm tương đương bộ trưởng thì việc giải quyết chế độ nhà ở cho ông Nghiên cũng phải giống các bộ trưởng khác cùng thời.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định, theo quy định của pháp luật, bộ trưởng không được Nhà nước cấp nhà. Ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng: "Nếu nói ông Nghiên thuộc hàm bộ trưởng thì phải được giải quyết chế độ nhà ở thì phải nêu rõ được quy định ở đâu, làm rõ nội dung này để tránh gây thắc mắc cho dân".
Cựu Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận lấn đất công
Mới đây, ông Hà Hòa Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có báo cáo giải trình việc lấn chiếm gần 400m2 đất công tại phường Tích Sơn, TP. Vĩnh Yên gửi ông Phạm Văn Vọng, Chủ tịch HĐND kiêm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Trong báo cáo giải trình, ông Bình cho biết: "Tôi tự nhận thấy mình có khuyết điểm là do bận công tác nên chưa theo sát kiểm tra dẫn tới việc con trai xây tường rào bao quanh nhà vượt quá phần diện tích thuộc sở hữu của gia đình. Ý thức được việc này nên ngay khi có ý kiến từ chính quyền, tôi đã chủ động yêu cầu các thành viên trong gia đình khắc phục hậu quả, tự nguyện phá bỏ toàn bộ phần tường rào bao quanh để trả lại mặt bằng cho chính quyền một cách nhanh nhất"
Ông Phạm Văn Vọng cho biết, Tỉnh ủy Vĩnh phúc đã giao việc này cho UBND TP. Vĩnh Yên rà soát, kiểm tra và sớm có kết luận cuối cùng. Trên cơ sở kết luận này, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sẽ có phương hướng xử lý vụ việc
(Người lao động Online)