Thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều dòng vốn ngoại với hàng loạt thương vụ hợp tác đầu tư. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn đang trong thế “thăm dò” bởi gặp những khó khăn, vướng mắc về thủ tục cũng như những rủi ro khi thị trường địa ốc Việt chưa thực sự minh bạch.
Số liệu mới nhất vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho biết, lĩnh vực BĐS đứng thứ 3 về thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài trong 11 tháng năm 2015, với 29 dự án đầu tư mới và 10 lượt dự án tăng vốn, vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 2,32 tỷ USD (chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư). Tháng 11 vừa qua đã có nhiều dự án lớn được cấp phép, trong đó lĩnh vực BĐS có dự án xây dựng khu phức hợp tháp quan sát Empire City có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Công trình này thuộc KĐT Thủ Thiêm (Q.2, Tp.HCM) do Công ty cổ phần BĐS Tiến Phước và Công ty TNHH BĐS Trần Thái liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd - Vương quốc Anh làm chủ đầu tư.
Gần đây, các nhà đầu tư địa ốc Sài Gòn dành sự chú ý nhiều đến sự hợp tác của tập đoàn Bitexco với Emaar Properties PJS, ông lớn BĐS đến từ Dubai để cùng phát triển siêu dự án KĐT Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh). Quy mô dự án này lên tới 427 ha, tổng mức đầu tư là 30 nghìn tỷ đồng. Theo đó, hàng chục ngàn hộ dân nằm trong vùng dự án đang mong chờ chủ đầu tư mới giúp họ thoát cảnh sống 'treo' trong suốt vài chục năm qua.
Quỹ đầu tư đến từ Singapore Genesis Global Capital cũng đã tuyên bố đầu tư 300 triệu USD mua 30% sản phẩm tại chuỗi căn hộ Diamon Lotus do Phúc Khang đầu tư. Công trình tọa lạc trên đường Lê Quang Kim (Q.8) với tổng mức đầu tư là 1.268 tỷ đồng. Mỗi năm Genesis Global Capital sẽ giải ngân 50 triệu USD cho Tập đoàn Phúc Khang để phát triển dự án này thành các căn hộ dịch vụ để bán và cho thuê, mục đích hướng tới nhóm khách hàng là chuyên gia, thương gia, nhà đầu tư nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Sự tham gia của giới đầu tư ngoại khiến thị trường BĐS Việt Nam thêm phần
sôi động. (Ảnh minh họa).
Các quỹ đến từ Nhật Bản đã có những hoạt động sôi động trên thị trường địa ốc Việt trong thời gian qua. Điển hình là Quỹ đầu tư Creed Group đã lần lượt đầu tư vào các dự án BĐS của Công ty Năm Bảy Bảy (NBB) như City Gate Towers và NBB Garden III (Q.8), NBB Garden II (Bình Chánh). Quỹ này đã rót 200 triệu USD vào An Gia Investment. Trong đó, một phần của số tiền này cam kết mua lại 20% cổ phần của doanh nghiệp, một phần góp vốn đầu tư dự án theo hình thức 50/50 và phần còn lại cung cấp các khoản vay với lãi suất 5%/năm để An Gia mua lại các dự án mới. Hai nhà đầu khác là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã hợp tác với Nam Long đầu tư Dự án Flora Anh Đào (Q.9) thông qua hình thức chuyển nhượng một phần cổ phần.
Thực tế cho thấy, tuy dòng vốn ngoại đang chảy mạnh vào nhiều dự án nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nhà đầu tư ngoại vẫn đang vừa đầu tư vừa thăm dò thị trường. Giám đốc điều hành Quỹ Jen Capital ông Nguyễn Vĩnh Trân cho biết, trước khi vào đầu tư bất kỳ một dự án nào thì nhà đầu tư nước ngoài đều tìm hiểu rất kỹ thông tin về dự án và chủ đầu tư. Cụ thể, họ sẽ xem sẽ xem xét khả năng, phương pháp làm việc của đối tác và rất coi trọng chữ 'tín' khi ký kết hợp tác. Theo ông Trân, nhiều chủ đầu tư Việt Nam phần lớn vốn là đi vay ngân hàng, thế nên nhà đầu tư ngoại rất lo ngại gặp rủi ro khi thị trường biến động. Hơn nữa, sự bất đồng trong cách tính toán chi phí đầu tư, chủ đầu tư thường đẩy giá đất lên quá cao trong khi nhà đầu tư ngoại lại tính toán rất kỹ càng về mọi chi phí. Vì vậy, chủ đầu tư nên nhìn vào các giá trị vô hình mà nhà đầu tư ngoại mang lại chứ không chỉ là giá đất, có vậy mới đưa ra được mức giá hợp lý.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM ông Lê Hoàng Châu nhận định, sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại sẽ giúp thị trường BĐS khởi sắc hơn. Nhất là góp phần giảm số lượng tồn kho của thị trường thông qua các hoạt động mua bán sát nhập dự án. Ông Châu cho rằng, có 3 yếu tố khiến nhà đầu tư ngoại quan tâm. Một là tính minh bạch, hai là sức cạnh tranh phải tăng lên và công bằng, ba là yêu cầu sự bền vững của thị trường.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Singapore ông Jeff Foo chia sẻ, lĩnh vực địa ốc Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Song vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt nguyên nhân từ tính nhất quán của các chính sách về bất động sản chưa ổn định, thông tin chưa rõ ràng, minh bạch. Ông Jeff Foo cho rằng, chính sách dành cho BĐS cần công bằng, tránh 'phân biệt đối xử' với nhà đầu tư nước ngoài, nên có cái nhìn xa rộng, bền vững và không nên thay đổi một cách đột ngột. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Hôm nay các bạn mở cửa nhà đầu tư bước vào nhưng ngày mai đột ngột đóng cửa thì nhà đầu tư rất khó".
(Cafeland)