Thông tin thị trường

Dòng tiền đang đổ mạnh vào bất động sản

19/08/2015 - 08:20

Hiện dòng tiền đang đổ mạnh vào bất động sản (BĐS), nhất là vốn tín dụng ngân hàng. Theo số liệu thống kê, con số này đã lên hơn 360 nghìn tỷ chảy vào BĐS. Điều này khiến nhiều người lo ngại nguy cơ xảy ra tình trạng "bong bóng" BĐS như trước đây.

Sáng hôm qua (18/8), phát biểu tại buổi lễ ra mắt Hội môi giới BĐS khu vực phía Nam, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng, khó có thể xảy ra "bong bóng" BĐS.

dòng tiền đổ vào bất động sản
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam ông Nguyễn Trần Nam

Nhưng theo ông Nam, tuy thị trường chưa có “bong bóng” nhưng chúng ta cũng phải đề phòng với thực trạng này. Các doanh nghiệp địa ốc, nhất là các môi giới có vai trò rất lớn trong việc này. 

Báo cáo của VNREA cho biết, trong những quý vừa qua, giao dịch BĐS tiếp tục tăng mạnh. Thị trường Hà Nội có hơn 9.200 giao dịch thành công và TP.HCM có hơn 8.700 giao dịch thành công trong nửa đầu năm 2015, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo trên cũng lý giải về thực trạng này, do các kênh đầu tư khác như vàng, gửi tiết kiệm, chứng khoán đang dần trở nên kém hấp dẫn, trong khi đó thị trường BĐS đang có những khởi sắc tích cực, trở thành kênh đầu tư sáng giá nhất.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, tuy thị trường có giao dịch tăng mạnh nhưng giá tương đối ổn định, chỉ trừ một số trường hợp dự án bán tốt, có giá tăng từ 1-2%. Bởi các dự án tốt, có nhiều khách mua nên giá tăng là điều tất yếu.

Theo ông Nam, bên cạnh giao dịch tăng mạnh, hiện dòng tiền đang đổ mạnh vào BĐS cũng là vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Tức là các ngân hàng, các quỹ đầu tư, công ty nước ngoài, người dân,… vẫn coi đây là mảnh đất tạo được công ăn việc làm, mang lại lợi nhuận tốt.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, hiện số dư nợ tín dụng BĐS cho đến nay đạt con số trên 360 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số thị trường bắt đầu khủng hoảng vào năm 2009 khoảng 180 nghìn tỷ (thấp nhất từ xưa đến nay), vượt cả thời điểm cao nhất 310 nghìn tỷ, trong khi đó đây mới chỉ là riêng từ ngân hàng. 

Theo số liệu tổng kết, lượng kiều hối mỗi năm khoảng từ 11-12 tỷ USD. Trong đó, kiều hối đổ vào BĐS ước tính khoảng 25%, tương đương khoảng từ 2,5-3 tỷ USD.

Mặt khác, vốn FDI vào BĐS cũng khoảng 10% tổng vốn đầu tư, giữ vị trí thứ 2 sau lĩnh vực chế tạo.

Có thể nói, đây là những yếu tố chính đang tác động mạnh lên thị trường địa ốc. Ông Nam cho biết: “Chúng ta cũng có thống kế về thuế BĐS. Trong đó có thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ chắc chắn sẽ tăng nhưng nay chưa thu thập con số này. Rất cần phải thu thập những con số này để có những đánh giá thị trường chuẩn xác”.

Từ đó các cơ quan nhà nước đưa ra được các cơ chế và chính sách, còn các doanh nghiệp có thể đưa ra được chiến lược kinh doanh của mình và người dân cũng có thể nắm bắt được thông tin về lĩnh vực mình quan tâm, đầu tư.

Thực tế cho thấy, thị trường địa ốc đang phát triển trở lại, bền vững hơn. Nhưng không loại trừ có những doanh nghiệp, tổ chức, các nhân có tầm nhìn ngắn hạn, kích giá, thổi giá, găm hàng… ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường nhà đất, dễ dẫn tới "bóng bóng" BĐS.

Cho nên, vai trò của môi giới là phải làm sao giữ được giá ổn định và trung thực, lợi nhuận kỳ vọng đúng mức đem lại lợi ích cho khách hàng thì mới tồn tại bền vững.

Ông Nam cho biết: “Hiện nay, một số quan chức đang có suy nghĩ BĐS không khéo lại thế này thế kia và có ý định cắt giảm dòng tiền đổ vào BĐS, hoặc có ý định phải giảm dòng tiền xuống".

Theo quan điểm cá nhân, ông Nam không đồng tình với quan điểm trên và cho rằng cần tiếp tục có những đóng góp nhằm thúc đẩy thị trường phát triển nếu không thị trường sẽ lại gặp khó khăn.

(Trí thức trẻ)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm