Các doanh nghiệp chưa kịp mừng với những dấu hiệu hồi phục của thị trường thì nay lại phải lo lắng vì dự thảo luật về tiền ký quỹ dự án.
Theo dự thảo luật kinh doanh BĐS, chủ đầu tư chỉ được phép bán, cho thuê, mua những BĐS hình thành trong tương lai khi có sự bảo lãnh của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng cần nộp tiền ký quỹ dự án khi được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư BĐS.
Theo một sô doanh nghiệp kinh doanh BĐS, trong bối cảnh nền kinh kế đang gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sẽ gần như kiệt sức khi phải oằn mình gánh nhiều loại thuế. Để triển khai được các dự án, các doanh nghiệp đã phải đóng một loạt các chi phí như: báo cáo năng lực đầu tư, xin thỏa thuận về địa điểm, hồ sơ thẩm định tài chính… Doanh nghiệp sẽ lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn khi đã cạn vốn trong quá trình đầu tư, không thể tiếp tục vay vốn ngân hàng, không được phép huy động vốn từ người mua, mà nay phải chịu thêm một số tiền không nhỏ để đóng thêm các loại phí khác. Điều này giống như đẩy các doanh nghiệp vào bước đường cùng.
Các phụ phí đè nặng lên các doanh nghiệp BĐS
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM, ông Lê Hoàng Châu cũng bày tỏ quan điểm, chi phí ký quỹ dự án BĐS làm tăng gánh nặng cho chủ đầu tư dự án, đồng thời sẽ làm tăng giá thành của sản phẩm BĐS. Như vậy người mua sẽ rất thiệt thòi. Từ nỗi lo về một số chủ đầu tư không đáng tin cậy để ban hành quyết định trên dẫn đến việc tất cả các doanh nghiệp đều lâm vào tình cảnh khó khăn. Muốn thực hiện bảo lãnh, cần có tiền bảo lãnh hoặc các tài sản đảm bảo và còn phải chịu 2% phí cho tổ chức tín dụng. Hiệp hội kiến nghị bỏ quy chế về bảo lãnh tại dự thảo Luật kinh doanh BĐS.
Nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ra lo lắng vì để có được giấy bảo lãnh, các DN cần mất thêm thời gian cho các thủ tục giấy tờ. Khi quy định có hiệu lực thì liệu các ngân hàng có bảo lãnh cho doanh nghiệp? Liệu có xuất hiện thêm tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hồ sơ bảo lãnh hay không?
Bên cạnh những ý kiến phản bác, cũng có không ít người đồng tình với dự thảo luật trên. TGĐ Đất Xanh miền Trung, ông Trần Ngọc Thành trao đổi, thị trường BĐS sẽ minh bạch hơn nếu dự thảo luật này được thực hiện. Việc các doanh nghiệp cần đặt cọc ít nhất 20% giá trị dự án sẽ khiến các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết về tiến độ xây dựng. Điều này xuất phát từ thực tế, trên cả nước có 4.015 dự án với khoảng 4.486.674 tỷ đồng, với 102.228 ha nhưng lại đang có tới 1.000 dự án (chiếm 19%) đang ở trạng thái “bất động”.
Một số ý kiến cũng cho rằng, nếu dự thảo luật được thông qua, các chủ đầu tư sẽ buộc phải “nói thật, làm thật”. Việc bán dự án trên giấy rồi “đắp chiếu” các công trình sẽ không còn tồn tại. Ngoài ra, cần thực hiện nhanh các thủ tục cấp sổ đỏ để người dân yên tâm về tình trạng pháp lý.
Các doanh nghiệp đóng góp ý kiến rằng, không nên bắt các dự án đã thực hiện xong việc đền bù GPMB phải ký quỹ. Và số tiền kỹ quỹ phải phù hợp với tổng mức đầu tư dự án. Ngoài ra, cần có quy chế rõ ràng về việc hoàn trả tiền kỹ quỹ cho các doanh nghiệp để tránh tình trạng tiền ứ đọng trong ngân hàng.
(DĐDN)