1. Tuần qua, hai dự thảo luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực
bất động sản là Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản đã
được các đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận tại tổ. Câu chuyện
cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản đã gây nóng dư luận
hồi đầu năm lại tiếp tục nóng trên bàn thảo luận của các đại biểu Quốc
hội.
Dù tán thành chủ trương mở cửa cho người nước ngoài mua nhà, song các
đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, Luật đã quá nới lỏng, khi quy định
người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam không hạn chế số lượng. Đại
biểu Cao Sỹ Kiêm đặt câu hỏi: “Với những người có nhiều tiền sẽ mua số
lượng lớn thì sao”, “quy định thế này thì nhà đầu tư có thể trục lợi
trên thị trường”.
Còn đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) thì cho rằng, Điều 157 của dự
thảo Luật quy định “người nước ngoài chỉ được mua 30% số căn hộ trong
một khu chung cư, không quá 25 căn trong một phường với nhà riêng lẻ”,
đại biểu Minh cho rằng, hoặc là bỏ hẳn điểm này, hoặc đưa ra quy định
chỉ cho người nước ngoài mua 1 căn hộ hoặc 1 ngôi nhà khi vào Việt Nam.
(Quốc hội lo việc “thả cửa” cho người nước ngoài mua nhà, VNEconomy,
28/5).
Con số 30% số căn hộ khu cung cư hay không quá 25 căn nhà tại một phường
mà Ban soạn thảo Luật đưa ra nghe thì rất rõ ràng, cụ thể, nhưng chẳng
rõ xuất phát từ căn cứ nào? Nghe cũng mơ hồ tựa tựa như cái thông tư cấm
bán thịt giết mổ sau 8 giờ đồng hồ.
2. Câu chuyện nóng thứ hai trên trong phiên thảo luận tại tổ của
Quốc hội ngày 27/5 vừa qua liên quan đến hai văn bản luật quan trọng,
đó là cần bảo vệ “người mua nhà trên giấy”. (Người “mua nhà trên giấy” cần được bảo vệ, Tuổi trẻ,28/5).
Thực ra, chuyện chỉ bản đồ thu tiền đã diễn ra cả gần chục năm nay và
phổ biến trong giai đoạn thị trường bất động sản sốt nóng và không ít
nhà đầu tư đã nếm trái đắng, nhưng theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng),
các quy định tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, quy định
việc bán nhà ở hình thành trong tương lai vẫn chưa làm rõ được cơ chế
đảm bảo nguồn vốn huy động ứng trước của người mua nhà sẽ được sử dụng
đúng mục đích. Theo đó, cần quy định rõ trong Luật là tiền ứng trước mua
nhà của người mua nhà phải được ký gửi tại một tổ chức tín dụng và chỉ
được dùng để thanh toán cho công trình đó, giải ngân theo tiến độ của
công trình có sự giám sát của ngân hàng và đại diện khách hàng.
Còn theo ông Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank (đại
biểu TP. Hà Nội) cũng cảnh báo về tình trạng “tay không bắt giặc”, chủ
đầu tư ăn mặc đẹp, đi xe xịn, xách cặp rất oai, chỉ ép mấy cái cọc là
bán, thu tiền nhiều lắm mà tiền đi đâu không biết.
Ép được mấy cái cọc mà bán hàng thì hãy còn khá, nếu so với những ông
chủ dự án mới làm được cái bản đồ quy hoạch hay chỉ xin giấy phép đầu tư
dự án đã thu tiền ầm ầm. Thế mà có những dự án như vậy vẫn được mua đi
bán lại không biết bao lần.
3. Câu chuyện thứ ba liên quan đến một phát ngôn về trách nhiệm
của các cơ quan quản lý đối với sự phát triển của thị trường bất động
sản (Bất động sản “sống dở chết dở”là trách nhiệm nhà quản lý, Tuổi trẻ Online 27/5)
Cũng trong buổi thảo luận tổ về Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và dự thảo
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sáng 27/5, Phó chủ nhiệm Ủy ban
Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề việc thị trường bất
động sản “sống dở, chết dở” như hiện nay trách nhiệm thuộc về nhà quản
lý, ở chỗ cấp phép bừa bãi, lợi ích nhóm trong quy hoạch, kế hoạch, “thế
nhưng trong cả hai dự án luật này vắng bóng trách nhiệm của nhà quản
lý”.
Nhà quản lý là ai, chịu trách nhiệm vì sao? Khó khăn của thị trường bất
động sản bởi (cơ quan quản lý) quá tôn trọng quy luật thị trường cơ mà!?
(Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng).
4. Câu chuyện thứ tư cũng liên quan đến cái sự “sống dở chết
dở”, nhưng không phải là thị trường bất động sản nói chung, mà cụ thể là
cư dân nhiều dự án chung cư khi chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo
trì chung cư, chung cư xuống cấp cũng không chịu sửa (Nhập nhèm thu chi quỹ bảo trì chung cư: Cư dân dọa kiện chủ đầu tư, Tiền phong )
Theo quy định, phí bảo trì chung cư được chủ đầu tư thu mỗi khách hàng
2% trên tổng giá trị căn hộ và chủ đầu tư được quản lý khoản tiền này
trong thời hạn tối đa 1 năm, sau khi bầu được ban quản trị dự án, chủ
đầu tư phải giao toàn bộ số tiền này cho ban quản trị tòa nhà quản lý,
cùng với 2% giá trị của phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại không bán.
Quy định là thế, nhưng trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp, khi
chủ đầu tư không chịu bàn giao số tiền phí bảo trì chung cư.
Tại chung cư cao cấp Keangnam (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà
Nội), sau những lùm xùm về phí quản lý chung cư ầm ĩ thời gian trước,
gần đây, thành viên trong ban quản trị tòa nhà lại dọa kiện chủ đầu tư
ra tòa vì trì hoãn việc bàn giao quỹ này, hoặc trả lời vòng vo, khó hiểu
về quỹ bảo trì chung cư. Với tổng số diện tích sàn căn hộ và thương mại
khoảng 150.000m2, giá bán căn hộ là 2.800 USD/m2, phí bảo trì chủ đầu
tư Keangnam Vina đã thu, theo ước tính của Ban quản trị tòa nhà khoảng
190 - 210 tỷ đồng.
Cư dân đang sinh sống tại chung cư Sky City (88 Láng Hạ, quận Đống Đa,
Hà Nội) cũng đang sốt ruột vì chủ đầu tư, Công ty TNHH Hanotex chỉ giao
15 tỷ đồng quỹ bảo trì cho ban quản trị, trong khi tổng quỹ bảo trì ước
khoảng 45-50 tỷ đồng.
Mới đây, trong buổi họp giữa đại diện cư dân, chính quyền và chủ đầu tư
dự án chung cư Lê Thành, cư dân ở đây đặt câu hỏi tại sao khoản tiền hơn
12 tỷ đồng thuộc quỹ bảo trì của chung cư Lê Thành lại đang nằm trong
một tài khoản ở Techcombank, với chủ tài khoản là ông Lê Hữu Nghĩa (Giám
đốc Công ty Lê Thành) và vợ là bà Nguyễn Thị Kim Hồng và điều này có
hợp pháp và đúng luật? Tuy nhiên, cả chủ đầu tư và đại diện Sở Xây dựng
TP. HCM đã lờ câu hỏi này đi. (Tranh chấp quyền quản lý phí bảo trì
chung cư: Chủ đầu tư đã quá tham lam?, Lao động, 30/5/2014).
Chuyện cũng chẳng khó hiểu, số tiền đâu phải nhỏ, lên tới nhiều tỷ đồng, lờ đi biết đâu lại trót lọt.
5. Bỏ qua những thông tin trên thì trong tuần qua có một số thông tin đáng chú ý về phát triển dự án và các đợt mở bán dự án.
Hôm 26/5, tại Singapore, Công ty Xăng dầu Vũng Rô (VRP) - tập đoàn 100%
vốn của Nga và công ty chuyên xây vịnh thuyền buồm ONEº15 Marina Club
của Singapore đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây vịnh thuyền buồm đầu
tiên ở Việt Nam. Dự kiến vịnh thuyền buồm ở Vũng Rô sẽ có tên gọi ONE15
Vung Ro Bay Marina Resort, sức chứa 350 thuyền buồm dài từ 10 – 60 m.
Vịnh thuyền buồm là một phần nằm trong tổ hợp bất động sản gồm vài khách
sạn gồm 760 phòng, 4.300 căn hộ, 100 nhà phố, các cửa hàng bán lẻ, nhà
hàng, câu lạc bộ... phục vụ cư dân tại chỗ và khách du lịch. Tổng đầu tư
cho tổ hợp này vào khoảng 2 -2,5 tỷ USD. Theo lý giải của các nhà đầu
tư, vịnh Vũng Rô sẽ là địa điểm lý tưởng để xây vịnh thuyền buồm. Hiện
nay, du thuyền đi từ Singapore đến Hong Kong và ngược lại mất 5 ngày.
Vịnh Vũng Rô nằm ở giữa sẽ là địa điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho các khách
du lịch.
Ở chiều ngược lại, ngày 28/5, ông Phạm Chí Dũng, Chánh văn phòng UBND
tỉnh Hậu Giang, cho biết, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi dự án khu phức
hợp khách sạn - căn hộ và trung tâm thương mại AIC Hậu Giang (TP. Vị
Thanh), do CTCP Tiến bộ quốc tế Hậu Giang làm chủ đầu tư, để giao lại
cho chủ đầu tư khác thực hiện. Dự án có diện tích khoảng 8.717m2, đã bồi
thường giai đoạn 1 cho phần đất công diện tích 7.247m2, với tổng vốn
đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng được khởi công cuối năm 2009, nhưng không
triển khai thực hiện.
Trong tuần, chủ đầu tư Dự án Star City Lê Văn Lương mở bán 20 căn hộ
cuối cùng với giá bán từ 33 - 37 triệu đồng/m2. Nằm ngay mặt đường Lê
Văn Lương, đối diện tòa 18T - Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội, Starcity bao
gồm 462 căn hộ, diện tích từ 50 - 152,8 m2. Dự án cao 27 tầng, trong đó
có 5 tầng trung tâm thương mại và 3 tầng hầm để xe. Hiện Dự án đã hoàn
thiện cơ bản 90% tổng khối lượng công việc, dự kiến bàn giao nhà cho
khách hàng trước ngày 30/6/2014.
Cách đó không xa, xuôi xuống tuyến đường Phạm Hùng, Công ty Đầu tư và
Phát triển Tây Hồ - chủ đầu tư dự án An Bình Tower (Phạm Văn Đồng, Nam
Từ Liêm, Hà Nội) sẽ chính thức nhận đơn đăng ký mua nhà từ ngày 26/5.
An Bình Tower là dự án thuộc phân khúc nhà ở xã hội, nằm mặt đường 69,
cách ngã tư Phạm Văn Đồng - Cổ Nhuế 1,5 km, nằm trong quần thể Khu đô
thị Resco, Khu nhà vườn xóm 19 Cổ Nhuế.
Theo chủ đầu tư An Bình Tower có thiết kế, chất lượng của chung cư
thương mại. Với 24 tầng gồm 2 tầng hầm, 3 tầng thương mại dịch vụ và 20
tầng chung cư, An Bình Tower được thiết kế với các căn hộ có diện tích
từ 48,5 - 66,7 m2, tất cả các căn hộ đều có mặt thoáng. Với mức giá bán
dưới 15 triệu đồng/m2 đã bao gồm VAT và phí bảo trì, các căn hộ tại đây
có giá từ 712 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. (Nhận đơn đăng ký mua nhà ở xã
hội tại Cổ Nhuế, Media, 29/5)
Ngày 31/5, Siêu thị dự án bất động sản STDA mở bán khu biệt thự Gamuda
Gardens, với gói ưu đãi khách hàng nhận nhà ngay và thanh toán chậm
trong vào 48 tháng với 0% lãi suất. Lễ mở bán được tổ chức vào 9h ngày
31/5 tại khu nhà mẫu Gamuda Gardens (Hoàng Mai, Hà Nội).
Khu đô thị Gamuda Gardens đã hoàn thành giai đoạn một với 364 căn biệt
thự song lập và liền kề. Dự án bắt đầu bàn giao nhà cho cư dân từ tháng
4/2014. Dự kiến sau khi hoàn thành, khu đô thị Gamuda Gardens sẽ cung
cấp hơn 2.000 căn nhà gồm nhà liền kề, biệt thự song lập, biệt thự đơn
lập và chung cư cao cấp với nhiều tiện ích thương mại.
Theo Đầu tư Chứng khoán
(Nguồn sưu tầm)