Thông tin thị trường

Đề xuất 2 nhóm giải pháp giảm ùn tắc tại nút giao Pháp Vân

19/01/2017 - 03:08

Mới đây, Tổng cục Đường bộ vừa đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải hai nhóm giải pháp giảm ùn tắc nút giao Pháp Vân với tổng kinh phí dự kiến xấp xỉ 2.400 tỷ đồng.

Sáng 19/1/2017, theo thông tin từ đại diện Tổng cục Đường bộ, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được mở rộng, nâng cấp đã hoàn thành giai đoạn 1, hiện đang thi công giai đoạn 2 thành 6 làn xe cơ giới. Đầu năm 2018, dự kiến công trình sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng. 

Thực tế cho thấy, hiện tất cả hướng vào, hướng ra đường cao tốc khu vực nút giao Pháp Vân thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm, các dịp lế, Tết.

Nút giao Pháp Vân là nút giao kết nối tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3, bến xe Nước Ngầm và bến xe Giáp Bát với lưu lượng phương tiện rất lớn.

Các nhánh khu vực nút giao không đáp ứng được nhu cầu thực tế, theo đại diện Tổng cục Đường bộ. Mặt đường hẹp, lún võng, trượt trồi, lún đầu cầu, hệ thống biển báo hiệu bị che lấp, rất khó quan sát. Trong khi đó, cây xanh chưa được cắt tỉa thường xuyên, gây mất mỹ quan.

cải tạo, nâng cấp nút giao Pháp Vân
Tại nút giao Pháp Vân thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao
điểm và các dịp lễ, Tết. (Ảnh: Google Maps).

Trước thực trạng đó, Tổng cục Đường bộ đề xuất 2 nhóm giải pháp cải tạo nút giao và phân luồng từ xa để giải quyết ùn tắc giao thông.

Dự kiến phương án cải tạo nút giao có kinh phí trên 423 tỷ đồng, riêng tiền giải phóng mặt bằng khoảng trên 255 tỷ đồng. Phương án này sẽ bổ sung một số nhánh, nút giao, làn rẽ trái phải và xử lý hiện trạng đường đầu cầu lún, hư hỏng tại nút giao Pháp Vân...

Theo Tổng cục Đường bộ, một khi nút giao Pháp Vân được cải tạo sẽ cải thiện được đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại các vị trí của khu vực này và tạo nên mỹ quan đô thị của cửa ngõ Thủ đô Hà Nội. Về nguồn vốn thực hiện, sẽ xem xét sử dụng vốn dư của Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT.

Phương án thứ 2 là phân luồng từ xa có kinh phí đầu tư dự kiến trên 1.900 tỷ đồng. Có nhiều hạng mục trong đó được cải tạo, xây dựng như đường kết nối từ nút giao Vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai; bổ sung đường kết nối từ nút giao Vành đai 3 đi thấp ra QL1...

Đại diện Tổng cục Đường bộ kiến nghị: “Kinh phí đầu tư phương án tương đối lớn, để thực hiện đầu cần được sự đồng thuận chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội. Tổng cục Đường bộ đề nghị Bộ, Hà Nội xem xét, thống nhất phương án đầu tư xây dựng, cũng như nguồn vốn thực hiện”.

(Zing News)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm