Thực tế sử dụng đất tại một số tỉnh, thành phố hiện nay cho thấy vẫn còn sự lãng phí, thiếu quy hoạch, gây thất thoát tài nguyên và tiền bạc của Nhà nước. Do đó, các địa phương cần tổ chức kiểm kê để quản lý đất đai hiệu quả hơn..
Việc quản lý đất đai tại rất nhiều địa phương trên cả nước còn chưa rõ ràng, chồng chéo, dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Không ít nơi, do quản lý không nghiêm đã để nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Trước tình hình này, Chính phủ yêu cầu phải quản lý hiệu quả đất đai, đồng thời có phương án quy hoạch cụ thể giao cho các ngành, địa phương quản lý.
Thực hiện Luật Ðất đai và để đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên, nguồn lực đất đai cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, mới đây Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014. Theo đó, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 trên phạm vi cả nước.
Để quản lý đất đai hiệu quả cần phải tổ chức thực hiện việc kiểm kê cẩn thận
Ðể việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được chính xác, cần phải đổi mới nội dung, phương pháp, tổ chức thực hiện để kiểm soát chặt chẽ kết quả điều tra kiểm kê thực địa, nâng cao chất lượng thực hiện, khắc phục hạn chế, thiếu sót của các kỳ kiểm kê trước đây.
Ðối tượng kiểm kê đất bao gồm: Người đang sử dụng đất là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng đất theo quy định của Luật Ðất đai; đối tượng được Nhà nước giao quản lý đất theo quy định; trong đó chú trọng kiểm kê đối với các tổ chức sự nghiệp và doanh nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, đơn vị quốc phòng, an ninh đang sử dụng đất nông, lâm nghiệp; các tổ chức kinh tế sử dụng đất được Nhà nước giao không thu tiền mà chưa chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai...
Kiểm kê để đánh giá đúng hiện trạng, từ đó các cơ quan quản lý và đối tượng sử dụng đất có được tiếng nói đồng thuận hơn, quyền và nghĩa vụ của đối tượng sử dụng đất được bảo đảm, công tác quản lý nhà nước về đất đai từ đó cũng chặt chẽ và khoa học hơn.
Ngoài ra, cùng với Luật Ðất đai mới chính thức có hiệu lực, việc kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 theo chỉ đạo của Chính phủ được tiến hành sẽ tạo ra một tiền đề quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách đất đai phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên phạm vi cả nước.
Theo Nhân dân
(Nguồn sưu tầm)