Nghi ngờ năng lực của CTCP Tập đoàn Hoành Sơn, nhiều cổ đông đề nghị phủ quyết tờ trình về việc SRC hợp tác với Hoành Sơn làm dự án tại khu đất 231 Nguyễn Trãi.
Ngày 26/4 vừa qua, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của Công ty Cổ phần Cao Su Sao Vàng (SRC - HOSE), HĐQT đã đưa tờ trình về việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP tập đoàn Hoành Sơn.
Theo kế hoạch, SRC sẽ tiến hành di dời nhà máy khỏi 231 Nguyễn Trãi để mở rộng quy mô đầu tư sản xuất. Nhưng khả năng tài chính công ty còn hạn chế để phục vụ việc di dời, mở rộng nhà máy nên SRC tìm đối tác đầu tư tại lô đất 231 Nguyễn Trãi nhằm tận dụng lợi thế khu đất để tạo nguồn vốn hỗ trợ công tác di dời.
Phía SRC đề nghị lựa chọn CTCP Tập đoàn Hoành Sơn là đối tác ký hợp đồng đầu tư bởi đây là đối tác trả giá cao nhất (435 tỷ đồng) và là một nhà đầu tư đã và đang tham gia nhiều dự án lớn tại Hà Nội.
Được biết, hai bên thỏa thuận góp vốn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng (SRC góp 26%, còn Hoành Sơn góp 74%) để đầu tư phát triển khu hỗn hợp, gồm Trung tâm thương mại - Dịch vụ - Văn phòng - Căn hộ cao cấp để bán và cho thuê tại số 231 Nguyễn Trãi.
Song, tại đại hội, nhiều cổ đông nghi ngờ năng lực của CTCP Tập đoàn Hoành Sơn và đề nghị phủ quyết tờ trình về việc SRC hợp tác với đơn vị này, đồng thời yêu cầu đưa ra đấu giá công khai khi nhận thấy tài sản bị thất thoát quá nhiều từ sự hợp tác này.
Tổng giám đốc công ty Cao Su Sao Vàng, ông Mai Chiến Thắng lại khẳng định Hoành Sơn là đối tác có năng lực tài chính, đã làm với Tập đoàn hóa chất Việt Nam nhiều dự án. Quan trọng nhất là họ có tiềm lực về tài chính và việc lập công ty chỉ là để hợp thức hóa vấn đề hợp tác. Đất ở đây, theo quy hoạch của thành phố còn 1,2 ha để xây dựng dự án, phần còn lại để xây dựng công trình công cộng công viên, trường học...
Trước thời điểm Tập đoàn Hoành Sơn ký hợp tác với SRC, đã có rất nhiều đại gia địa ốc, bằng nhiều con đường khác nhau đã tham gia vào cuộc chiến thâu tóm 'đất vàng' này như Công ty cổ phần phát triển BĐS Việt Hưng, Tập đoàn Hoàng Huy, Tập đoàn Đất Xanh.
Khu 'đất vàng' Cao su Sao Vàng gần nhiều dự án đô thị lớn và bám sát tuyến metro.
Được thành lập cách đây 10 năm, Hoành Sơn là một công ty tư nhân với số lao động ban đầu chỉ 10 người. Vốn điều lệ của công ty là 1.000 tỷ đồng do ông Phạm Hoành Sơn (sinh năm 1972 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh) là Chủ tịch HĐQT. Vận tải, thương mại, xây dựng hạ tầng khu kinh tế, cảng biển… là lĩnh vật đầu tư chủ yếu của công ty.
Tập đoàn Hoành Sơn là một cái tên xa lạ ở Hà Nội nhưng tại Miền Trung đây là một cái tên khá nổi gắn liền với quá trình xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng. Công trình mới nhất của Tập đoàn này là dự án xây dựng Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn quy mô 16 ha với tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng và hệ thống kho bãi, khu dịch vụ hậu cảng với công suất khai thác dự kiến 2.300.000 tấn/năm. Dự kiến dự án hoàn thành vào tháng 6/2017.
Trong những năm 2011-2015, Hoành Sơn đã khởi công dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng.
Năm 2014 - 2015, đơn vị này đã triển khai một số dự án lớn khác như dự án nhà máy sản xuất phân lân và NPK công suất 800.000 tấn sản phẩm/ năm, Cảng biển quốc tế công suất xếp dỡ trên 3 triệu tấn /năm, xây dựng nạo vét khu neo đậu tránh trú bão tàu biển Cửa khẩu Hà Tĩnh, hồ chứa nước và thủy điện tại phía Tây thành phố Đà Nẵng, nhà máy sản xuất chế biến kaly tại CHDCND Lào công suất 2 triệu tấn/ năm
Doanh thu của toàn Tập đoàn Hoành Sơn đạt hơn 2.000 tỷ đồng vào năm 2014, tăng 40% so với năm 2013, đã nộp ngân sách đạt hơn 110 tỷ đồng, so với năm 2013 tăng 127%.
Tuy Hoành Sơn là một tên tuổi khá nổi tại khu vực Miền Trung nhưng doanh nghiệp này không phải là một nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp về đầu tư chung cư, văn phòng, nhà cao tầng, thương mại… Nhiều cổ đông của Cao Su Sao Vàng nghi ngờ năng lực của Tập đoàn này cũng vì lý do này.
(Trí thức trẻ)