Tại Tp.HCM, trên nhiều tuyến đường vùng ven luôn tràn ngập các bảng rao bán đất nền dự án với giá chỉ 200, 300 triệu đồng/nền. Thế nhưng nếu không kiểm tra kỹ, người mua dễ gặp phiền toái hoặc mất tiền.
Nắm bắt được tâm lý người mua sợ đất “giấy tay”, đất tranh chấp, đất nông nghiệp, người bán đưa ra cam kết nền đất bán là đất thổ cư, pháp lý đầy đủ, mọi việc từ sang tên, xin phép xây dựng bên bán lo hết, người mua chỉ cần chồng tiền là có thể an cư.
Bán nền hàng loạt
Khi thấy chúng tôi đứng trước khu đất nằm sâu trong hẻm 1959 đường Lê Văn Lương (ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè), một phụ nữ tên Thủy mang ra tờ photocopy “bản đồ hiện trạng vị trí 1/500” để chúng tôi dễ hình dung.
Theo đó, khu đất được chia thành 15 lô, lô lớn nhất trên 56m2, lô nhỏ nhất chưa tới 28m2, bề ngang mỗi lô từ 3,5 đến 4,5m. Trong khi đó, quy định về diện tích tách thửa tại huyện Nhà Bè hiện nay tối thiểu là 120m2 đối với đất chưa có nhà.
Chúng tôi liên hệ với chủ khu đất thì được biết giá bán khoảng 8 triệu đồng/m2 và cam kết mọi thủ tục chủ đất đã làm đầy đủ, có thể xây dựng tự do từ nhà cấp 4 cho đến 2 lầu, 3 lầu gì cũng được. Tuy nhiên, một cán bộ xã Nhơn Đức cho biết khu đất này hiện do người khác đứng tên.
Tương tự, khi chúng tôi liên hệ với người phụ nữ tên Yến đang rao bán đất nền với giá từ 240 đến 500 triệu đồng/nền nằm trong hẻm đường Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè), người phụ nữ này cũng khẳng định chỉ trong 45 ngày sẽ làm xong thủ tục “đồng sở hữu” để chúng tôi yên tâm xây nhà.
Sau khi trao đổi qua điện thoại với yêu cầu cần tìm một lô đất có sổ đỏ riêng, giá khoảng 500 triệu đồng, ngày 10/9, chúng tôi được nhân viên tên V. của công ty môi giới nhà đất N.B dẫn đi xem 2 lô đất cũng nằm trong hẻm đường Lê Văn Lương. Để người mua yên tâm, V. photocopy sẵn 2 sổ đỏ, trên đó ghi rõ mục đích sử dụng là “đất ở nông thôn”. So với khu đất “chia lô mini” ở trên thì 2 lô này có vị trí đẹp nhưng giá chào bán chỉ có 5,5 triệu đồng/m2 và 6,7 đồng/ m2.
Chỉ cần làm con đường bê-tông, chủ đất chia ra cả chục lô để bán nền.
Đầy rủi ro
Sau khi nghe chúng tôi than không đủ tiền mua lô lớn, V. khuyên nên mua đất “đồng sở hữu” và lôi ra cả xấp bản vẽ giới thiệu khu phân lô bán nền mà công ty cô thực hiện. Dạo một lượt, chúng tôi tỏ ý thích ngẫu nhiên lô đất có giá 310 đồng và muốn V. gửi cho xem trước hợp đồng để bàn bạc với gia đình. Theo hợp đồng, công ty của V. có vai trò như bên bán (không phải môi giới) nhưng lô đất lại đứng tên một cá nhân khác cho thấy sự nhập nhèm về pháp lý của kiểu phân lô bán nền.
Hai ngày sau, thấy chúng tôi im lặng, V. liên tục gọi điện để thuyết phục nên chúng tôi tìm cớ chờ kiểm tra thông tin quy hoạch. Nghe vậy, V. liền tư vấn cho chúng tôi gặp một người quen làm ở phòng tài nguyên môi trường chứ khơi khơi đi hỏi thông tin quy hoạch sẽ không ai trả lời. Khi chúng tôi yêu cầu V. photocopy sổ đỏ và cùng đi qua xã hỏi thì cô này liền nói “mọi giấy tờ công ty đều nộp để chuẩn bị tách sổ cho bà con ở khu đó” nên đành chịu.
Những lời rao bán đất nền giá rẻ treo đầy trên các tuyến đường ở vùng ven
Cũng như thế, khi liên hệ với hàng loạt số điện thoại rao bán đất nền tại huyện Bình Chánh với giá bán từ 1,6 đến 2 triệu đồng/m2, sổ hồng riêng, thổ cư 100% thì tất cả đều cam kết miệng chứ không cung cấp thông tin cụ thể để bên mua có thể đi kiểm chứng từ cơ quan nhà nước.
Với kinh nghiệm trong ngành nhà đất, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, khẳng định nếu đất ở Bình Chánh mà giá bán 2 triệu/m2 thì không thể là đất ở mà là đất nông nghiệp. Các trường hợp phân lô bán nền mà phóng viên ghi nhận cũng có nhiều dấu hiệu bất hợp pháp vì không bảo đảm các điều kiện theo quy định về hạ tầng kỹ thuật như đường sá, công viên, điện, nước...
Ông Nghĩa nhận định: “Người mua không thể xây nhà ở được hoặc sẽ gặp rắc rối về pháp lý, không thể đứng tên mảnh đất của mình và việc làm giấy tờ “đồng sở hữu” không đơn giản như bên bán nói”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, ở một số khu vực vùng ven có tình trạng phân lô bán nền trái phép.
“Bên bán có rất nhiều kỹ xảo để người mua tin tưởng nhưng người mua nên tỉnh táo, cần kiểm tra thông tin chính thức từ cơ quan nhà nước xem đó có phải là đất ở không, có vướng quy hoạch không, đã nộp tiền sử dụng đất chưa... để tránh mất tiền, tay trắng", ông Châu cảnh báo.
Bài học nhãn tiền
Ông Nguyễn Tấn Vương cho biết tháng 9/2013 đã mua lô đất gần 54m2 với giá hơn 295 triệu đồng (đã thanh toán 95%) tại một “dự án” đất nền ở xã Long Thạnh Mỹ (quận 9). Ý định của ông Vương đến tháng 5/2014, khi có sổ đỏ theo cam kết của chủ đầu tư sẽ thế chấp lấy tiền xây nhà. Thế nhưng đến nay, sổ đỏ thì không thấy đâu còn đất không thể xây dựng được vì đây là khu đất hỗn hợp, không phải đất ở.
(TPO)