Thông tin thị trường

Cuộc đua gom quỹ đất rẻ phía Tây Sài Gòn

29/01/2016 - 08:34

Tại Tp.HCM, tuy địa bàn 'nóng' vẫn là trục Đông - Nam nhưng nhiều nhà phát triển bất động sản (BĐS) đang âm thầm thu gom hàng chục ha đất ở phía Tây Sài Gòn dưới nhiều hình thức nhằm chuẩn bị cho chiến lược kinh doanh dài hơi.

Bắt đầu từ nửa cuối năm vừa qua, Công ty địa ốc Thắng Lợi đã dày công săn lùng 60 ha đất quanh trục phía Tây Sài Gòn và tỉnh giáp ranh để chuẩn bị các dự án mới. Doanh nghiệp này cho hay, với quỹ đất hiện có, đơn vị dự kiến tung ra 1.500 nền đất (300 - 500 triệu đồng/nền) và nhà phố dự án xây sẵn giá 700 triệu đến 1 tỷ đồng chìa khóa trao tay trong vòng 12 tháng tới.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết: "Trong khi các 'ông lớn' chọn khu Đông và Nam Sài Gòn làm đất hứa, doanh nghiệp vẫn quyết theo đuổi địa bàn phía Tây bởi giá đất nơi này còn rẻ, dễ dàng tiếp cận nhóm khách hàng bình dân". Doanh nghiệp này dự kiến sẽ bung hàng sau Tết Nguyên đán.

Quyết không bỏ thị phần quỹ đất rẻ ở cửa ngõ phía Tây TP, mới đây CTCP đầu tư Nam Long đã mua xong một dự án quy mô 9 ha tại quận Bình Tân. Trong thời gian tới, khu đất này được doanh nghiệp chuẩn bị phát triển căn hộ.

BĐS phía Tây Sài Gòn
Các doanh nghiệp địa ốc đang âm thầm hướng về phía Tây Sài Gòn.
(Nguồn ảnh: QH).

Tiêu biểu nhất phải kể đến chiến lược táo bạo của CTCP đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền. Tuy đang sở hữu hơn 100 ha đất sạch tại quận 9, ông lớn này đã gây bất ngờ lớn khi mạnh tay thâu tóm cổ phiếu của ông trùm quỹ đất phía Tây Sài Gòn.

Khang Điền mua thỏa thuận 32 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) vào tháng 12/2015, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 57,31%. Hiện phía BCI đang nắm quỹ đất lớn nhất nhì TP với 24 dự án đang triển khai với tổng diện tích xấp xỉ 400 ha tập trung chủ yếu ở Bình Chánh, Bình Tân. Theo các chuyên gia, động thái thu gom cổ phiếu không nằm ngoài mục tiêu tăng quy mô quỹ đất.

Đồng thời, trong thông cáo báo chí do Khang Điền phát đi cũng xác định rõ chiến lược bám trụ khu Đông và lan tỏa về hướng Tây của doanh nghiệp trong thời gian tới. Doanh nghiệp từng bước mở rộng quỹ đất và đầu tư các dự án mới tại khu vực Tây Nam Sài Gòn ở phân khúc chung cư, nhà thấp tầng, BĐS thương mại, khu công nghiệp.

Không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước hiện đang nhòm ngó quỹ đất lớn tại trục đô thị phía Tây của Công ty Năm Bảy Bảy. Thế nhưng, ý thức được nguồn lực to lớn này, đơn vị này khá thận trọng bắt tay với các đối tác hoặc khối ngoại.

Thực tế cho thấy, xu hướng nghiêng về phía Tây không dừng lại ở những cơn sóng ngầm của một vài doanh nghiệp mà đã trở thành cuộc đua rầm rộ khi Novaland, Nam Tiến, Hoàng Anh Sài Gòn và Hưng Thịnh đều hăng hái nhập cuộc. Những dự án đã và đang được mở bán ồ ạt tại quận Bình Tân và Tân Phú, gồm các dự án The Southern Dragon, Western Dragon, Melody Residence,...

Ông Ngô Quang Phúc - Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Land nhận định, tuy hai trục Đông - Nam đang cực kỳ hưng thịnh với thị trường nhà ở cao cấp song khu vực phía Tây Sài Gòn mới là thiên đường của quỹ đất rẻ chưa được khai phá hết.

Lãnh đạo Him Lam Land cho rằng, trong năm 2015 đất khu Đông tăng mạnh và có phần lấn lướt khu Nam nhưng xét thế chân vạc, khu Tây TP giá đất rẻ hơn cả và cũng dồi dào hơn 2 trục đô thị truyền thống. Theo ông Phúc: "Giá đất quyết định giá nhà, vì thế các doanh nghiệp đổ về hướng Tây để săn quỹ đất là xu hướng tất yếu để xí phần trước".

Dân số ở trục đô thị chếch về hướng Tây phần lớn thuộc thành phần nhập cư, do đó khu vực này sớm muộn rồi cũng hình thành thị phần nhà ở bình dân hoặc trung bình khá cực lớn trong tương lai, ông Phúc phân tích và dự báo: "Nhà có giá trên dưới 1 tỷ đồng đến ngưỡng 1,5 tỷ đồng mỗi căn sẽ đầy tiềm năng phát triển trong khi nhà giá từ 2 tỷ đồng trở lên sẽ khó bán hơn".

Ông Ngô Đình Hãn - Giảng viên BĐS thuộc Trung tâm tư vấn doanh nghiệp và phát triển kinh tế vùng khoa Kinh tế phát triển, ĐH Kinh tế Tp. HCM lý giải, các doanh nghiệp dịa ốc đang ngấp nghé khu Tây TP bởi 4 lý do chính. Cụ thể như sau:

Một là, hạ tầng kết nối giữa khu Tây Sài Gòn và trung tâm khá tốt thông qua trục Đại lộ Võ Văn Kiệt và kết nối liên vùng tương đối hoàn chỉnh qua cao tốc Tp.HCM - Trung Lương. Các tuyến Metro về khu Tây và Bắc TP càng tăng thêm động lực phát triển cho khu vục này trong tương lai.

Hai là, chi phí đầu vào để phát triển BĐS khu vực này còn thấp so với các trục đô thị đã phát triển tương đối hoàn chỉnh phía Đông và Nam Sài Gòn. Do còn sơ khai nên giá nhà đất khu vực này cũng tương đối phù hợp với khả năng chi trả của nhà đầu tư lẫn khách hàng mua ở thực. Căn hộ có giá 15 - 25 triệu đồng/m2 tùy vị trí, diện tích vừa phải từ 50-70m2 sẽ có tính thanh khoản cao.

Ba là, vì phía Tây là thị trường mới nên các sản phẩm có vị trí thuận lợi, chất lượng tốt, quy mô lớn, tiện ích đầy đủ, được quy hoạch đồng bộ sẽ được thị trường đón nhận tích cực. Trong tương lai gần, đây sẽ làn gió mới thay đổi khẩu vị đầu tư cũng như giá trị sống cho khách hàng.

Bốn là, dân số nội khu và liên vùng đông, dĩ nhiên nhu cầu nhà ở lớn. Trên thực tế, trục đô thị phía Tây TP là khu vực của ngõ của Sài Gòn với miền Tây sẽ thu hút một lượng rất lớn dân cư về khu vực này, từ đó tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển đô thị.

Ngoài những ưu điểm, chuyên gia này cũng chỉ ra thách thức của trục đô thị phía Tây, đó là quy hoạch mới xen lẫn trong khu quy hoạch cũ. Hạ tầng và quy hoạch là hai yếu tố phải được tính toán và phát triển đồng bộ, để tránh trường hợp manh mún cũng như gia tăng áp lực bất cân xứng cho hạ tầng đô thị khu vực này.

(Vnexpress)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm