Thông tin thị trường

Cuộc chuyển hướng về thị trường bất động sản tỉnh lẻ có thực sự an toàn?

08/11/2019 - 03:33

Thị trường bất động sản tỉnh lẻ ngày càng nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà phát triển dự án với những tham vọng lớn. Tuy nhiên, đầu tư vào bất động sản tỉnh lẻ có thực sự ăn chắc và an toàn hay không lại là bài toán khiến các nhà đầu tư phải cân não.

Bất động sản tỉnh lẻ nổi sóng

Trước bối cảnh các thị trường bất động sản lớn như Hà Nội và TP.HCM đang gặp khó khăn về giá cả tăng cao, quỹ đất hạn hẹp, dự án ngưng trệ..., đã có không ít nhà đầu tư chuyển hướng dòng tiền và thành công khi đổ vốn vào thị trường tỉnh lẻ.

Nếu như trước đây Hòa Bình chỉ có các dự án du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần nhỏ lẻ thì nay đã bất ngờ xuất hiện nhiều ông lớn trong ngành địa ốc như FLC, Vincom Retail, Geleximco, Phú Mỹ Hưng và T&T Group với các dự án quy mô khủng.

Cùng với Hòa Bình, Thái Nguyên cũng là điểm đến của nhiều đại gia bất động sản với hàng loạt các dự án đáng chú ý như khu đô thị Kosy của Tập đoàn Kosy; Khu đô thị Danko City Thái Nguyên; dự án du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Thái Nguyên.

Thị trường bất động sản tỉnh lẻ
Thị trường bất động sản tỉnh lẻ đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư.

Bắc Giang cũng là một trong những “điểm nóng” của thị trường bất động sản khu vực phía Bắc. Theo con số thống kê của Sở Xây dựng Bắc Giang, hiện tỉnh có 40 dự án bất động sản đang được đầu tư, dự kiến khi hoàn thành vào vài năm tới sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 26.000 lô đất ở.

Ngoài các điểm nóng tỉnh lẻ trên, các nhà đầu tư cũng đang quan tâm đến một số khu vực khác như Lạng Sơn, Mộc Châu, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Ngãi... Giá nhà đất tại nhiều khu vực của các địa phương này đang ghi nhận tăng nhanh.

Số liệu thống kê của một trang chuyên về bất động sản cho thấy, tỷ lệ người quan tâm đến bất động sản các tỉnh thành phía Bắc có xu hướng tăng đáng kể, đơn cử như Hải Phòng với mức tăng là 36%, Hưng Yên ghi nhận tăng 62%, Hòa Bình tăng 73%.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, với tốc độ tham gia của các nhà phát triển địa ốc cũng như các nhà đầu tư tỉnh lẻ tăng nhanh chóng như hiện nay, các địa phương như Sơn La, Cao Bằng, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Yên, Bình Thuận... hứa hẹn sẽ tiếp tục trở thành điểm nóng trên thị trường nhà đất trong thời gian tới.

Còn ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT của Kosy nhận định, phân khúc đất nền tỉnh lẻ vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn chuyển hướng kinh doanh về các tỉnh lân cận khi giá bất động sản Hà Nội liên tục tăng cao. Trong đó, những địa phương có hạ tầng tương đối tốt, tập trung nhiều khu công nghiệp sẽ trở thành lựa chọn ưu tiên của các nhà phát triển địa ốc trong công cuộc dịch chuyển của mình.

Nội dung báo cáo của Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam cũng khẳng định, thị trường bất động sản tỉnh lẻ như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên,... có nhiều khả năng sẽ khởi sắc do nhu cầu đầu tư mạnh dịp cuối năm.

Cần cẩn trọng với cơn sốt đất nền

Vài năm trở về trước, sốt đất cũng từng diễn ra tại một số địa phương như Vân Đồn (Quảng Ninh). Tuy nhiên, những cơn sốt này thường đi qua rất nhanh, hậu quả để lại là không khí trầm lắng bao trùm thị trường, những đại dự án, siêu dự án chỉ là bãi đất trống để mặc cỏ hoang mọc, nhiều nhà đầu tư không kịp thoát hàng phải chịu cảnh chôn vốn vào đất. Vào hồi trung tuần tháng 3/2019, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh này nhanh chóng thanh tra việc quản lý, sử dụng và chuyển nhượng đất đai trên địa bàn nhằm ngăn chặn cơn sốt đất với sự tăng giá không ngừng theo ngày, theo giờ

GS. Đặng Hùng Võ khuyến cáo, các nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng trước cơn sốt đất nền tại các tỉnh lẻ. Giá đất tăng chóng mặt nhưng không có nhiều giao dịch thực chứng tỏ đây chỉ là sự thổi giá từ giới đầu cơ, làm nhiễu loạn thị trường.

Phân khúc đất nền theo quan điểm của ông Phạm Thanh Hưng - Phó chủ tịch HĐQT CEN Group là sản phẩm nóng lên sau cùng nhưng lại nguội đi đầu tiên của thị trường địa ốc. Đất nền suy cho cùng là công cụ đầu tư nhưng lại là đơn vị giao dịch mang tính ước lệ nhiều nhất. Ông nói: “Có thể coi đất nền là sản phẩm phái sinh của thị trường bất động sản. Không giống như nhà xây hay chung cư, đầu tư đất nền chủ yếu là lướt sóng để kiếm lời trong thời gian ngắn”. Đồng thời, ông Hưng cũng cho biết, đất nền thường tăng giá theo cơ sở hạ tầng, theo sự lan tỏa của các khu đô thị mới theo kiểu vết dầu loang với thanh khoản tốt, kiếm lời nhanh.

Song, nhà đầu tư nếu muốn thành công cần phải đoán định được diễn biến thị trường, nắm bắt được thời điểm nên mua vào, nên bán ra thích hợp. Đây lại là điều rất khó vì đa phần nhà đầu tư chỉ thực sự nhận ra đáy và đỉnh của giá đất khi mọi sự đã rồi.

Cơn sốt đất tại các tỉnh lẻ
Cơn sốt đất tại các tỉnh lẻ có thể mang đến dòng tiền lớn cho nhà đầu tư nhưng cũng có thể vùi họ vào đống đổ nát.

Hiệp hội môi giới Bất động sản Việt Nam kiến nghị: “Thị trường bất động sản nhà ở cả nước quý 3/2019 tiếp tục cho thấy sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, có dấu hiệu phát triển không ổn định. Vì vậy cần theo dõi sát sao và có biện pháp bình ổn nếu cần thiết”.

Còn về phía nhà đầu tư, đại diện Kosy Bắc Giang khuyến cáo, để tránh rơi vào “bẫy giá” của môi giới, cò đất, người mua cũng như nhà đầu tư cần phải tìm hiểu thật kỹ về các dự án, về nhu cầu thị trường từ phía cơ quan nhà nước và các nhà chuyên gia.

(VietnamNet)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm