Trong năm 2014, tuy lượng khách quốc tế lưu trú tại khách sạn cao cấp 4 và 5 sao ở khu vực phía Nam nói chung tăng hơn 10% nhưng tại Tp.HCM công suất phòng và giá phòng đều giảm, nguyên nhân là tại phân khúc này, sự cạnh tranh gay gắt ngày càng gay gắt.
Khách sạn Caravelle tại Tp.HCM (Ảnh minh họa : TL)
Vào ngày 3/7/2015, Công ty Grant Thornton (Việt Nam) đã công bố kết quả khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2015. Theo kết quả khảo sát, công suất phòng khách sạn bình quân cả nước (chỉ tính khách sạn 4 và 5 sao) trong năm 2014 là 60,7%, so với năm trước đã giảm 2%.
Còn tại Hà Nội, công suất phòng bình quân tăng 6,7% cho khách sạn 4 và 5 sao, trong khi công suất phòng tại Tp.HCM giảm 6,7% so với năm trước đó.
Chủ tịch Grant Thornton (Việt Nam), ông Kenneth Atkinson trong buổi công bố kết quả cho biết, công suất phòng tại Hà Nội tăng chủ yếu do việc mở rộng cơ sở hạ tầng (tăng công suất khai thác sân bay và thêm nhà ga mới), nhờ đó lượng khách đến Hà Nội tăng. Công suất phòng tại Tp.HCM giảm là do môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khi có nhiều khách sạn mới được đưa vào khai thác.
Cũng theo kết quả khảo sát, giá phòng bình quân năm 2014 của các khách sạn cao cấp tại Việt Nam tăng 0,2% so với năm trước, từ 97,6 USD trong năm 2013 lên 97,8 USD trong năm 2014. Cụ thể, giá phòng của khách sạn 4 sao tăng 3,6%, tuy nhiên giá phòng của khách sạn 5 sao giảm 6,4%.
Giá phòng tăng tới 23% tại Hội An và Đà Nẵng. Trong khi giá phòng trung bình tại Phan Thiết, Tp.HCM và Hà Nội đều giảm mạnh, có tỷ lệ lần lượt 17,2%; 4,7% và 13,7%.
Ông Kenneth Atkinson đã giải thích về việc giá phòng khách sạn 5 sao giảm, do thị trường thay đổi, đã có thêm nhiều khách sạn mới được đưa vào khai thác, vì thế chỉ cần có khách sạn đưa ra chương trình khuyến mãi, buộc các khách sạn khác cũng phải giảm giá theo để cạnh tranh.
Bên lề cuộc họp báo, Tổng giám đốc Pullman Saigon Center (khách sạn Pullman) ông Zayne Boon chia sẻ, lượng du khách đến Việt Nam giảm mạnh trong thời gian qua; điều đó ảnh hưởng đến mọi tỉnh thành tại Việt Nam, Tp.HCM cũng không ngoại lệ. Nhưng công suất phòng tại thành phố này lại giảm mạnh là do gần đây có nhiều khách sạn mới ra đời, dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Ông Zayne Boon cho hay: “Thách thức cho chúng tôi là ngày càng nhiều khách sạn tham gia vào thị trường, cho nên áp lực đối với chúng tôi là làm sao giữ được những nhân viên giỏi, nhằm đáp ứng được nhu cầu của khách sạn. Việt tuyển được nhân viên có chứng chỉ du lịch mà đáp ứng được nhu cầu của khách sạn 5 sao ngày một khó hơn”.
Theo kết quả khảo sát, nhìn chung về doanh thu, hiệu suất và chi phí của phân khúc khách sạn sang trọng trong năm 2014 kém hơn, có chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) trung bình là 34%, so với năm 2013 đã giảm 5,5%. Những thay đổi trong cơ cấu chi phí như các chi phí quản lý tăng 2,7% và chi phí hoạt động khác tăng 1,9% khiến chỉ số này giảm xuống.
Khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2015 của Grant Thornton được tiến hành với 60 khách sạn, tập trung từ 4 đến 5 sao. Được biết, cuộc khảo sát được thực hiện năm thứ 12 này của Grant Thornton không bao gồm phân khúc khách sạn 3 sao, vì thế các con số trong năm ngoái được dùng để so sánh với năm nay đã được loại trừ khách sạn 3 sao.
Theo một báo cáo của Công ty Savills, trong 3 tháng đầu năm 2015, thị trường khách sạn tại Tp.HCM có thêm 200 phòng khách sạn từ 1 khách sạn 5 sao mới và nguồn cung tăng thêm từ 1 khách sạn 4 sao hiện hữu cùng 1 khách sạn 3 sao hoạt động trở lại. Tp.HCM có 99 khách sạn từ 3 đến 5 sao với tổng nguồn cung xấp xỉ 13.100 phòng trong quý I/2015.
Cùng thời điểm trên, tổng nguồn cung thị trường Hà Nội đạt 8.960 phòng từ 64 khách sạn 3 đến 5 sao.
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)