Thông tin thị trường

Chủ động dự báo trước các kịch bản thị trường

16/02/2016 - 11:47

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, nhất là nhà ở xã hội đã đạt được kết quả quan trọng không chỉ giúp cho thị trường địa ốc phục hồi tích cực mà còn giúp hàng trăm nghìn người thu nhập thấp, người nghèo sớm được cải thiện chỗ ở.

Thị trường Hà Nội có khoảng 19.350 giao dịch thành công trong năm 2015, tăng 1,7 lần so với năm trước đó; trong khi tại Tp.HCM có khoảng 18.700 giao dịch thành công, so với năm 2014 đã tăng 1,8 lần. Tính đến 20/12/2015, giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 50.889 tỷ đồng, giảm 60,4% so với quý I/2013.

Trên địa bàn cả nước hiện có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ; 94 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ với số lượng căn hộ ban đầu 42.000 căn hộ xin điều chỉnh thành 56.500 căn hộ. Gói tín dụng hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đã cam kết giải ngân 26.999 tỷ đồng tính đến hết năm 2015, đạt 90%; hiện đã giải ngân 17.711 tỷ đồng đạt 59%.

Vậy nhưng, ở một số dự án hiện tại, giá mua nhà của người sử dụng đã cao hơn nhiều so với giá mà chủ đầu tư bán ra lần đầu. Mặt khác, một số dự án có vị trí tốt, tiến độ thi công nhanh, hạ tầng dịch vụ đầy đủ, chủ đầu tư cũng chủ động tăng giá.

dự báo kịch bản thị trường BĐS
Cần chủ động dự báo trước các kịch bản có khả năng xảy ra cũng như giải pháp
để đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững. (Ảnh minh họa, nguồn: ĐTCK).

Các yếu tố trên dẫn đến một số ý kiến lo ngại bong bóng BĐS có thể diễn ra trong thời gian tới. Cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã có nghiên cứu về vấn đề này. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của các nước đã trải qua thời kỳ bong bóng địa ốc, bong bóng chỉ xảy ra khi hội tụ đầy đủ các yếu tố sau đây:

Một là, nền kinh tế phát triển không ổn định, phát triển nóng dẫn đến một lượng vốn rất lớn đổ vào thị trường nhà đất đẩy giá tăng chóng mặt.

Hai là, các thị trường khác hoạt động không ổn định và thiếu hấp dẫn, khiến các nhà đầu tư cả cá nhân và tổ chức dồn tiền vào thị trường BĐS.

Ba là, nguồn cung BĐS thiếu hoặc lệch pha cung - cầu.

Bốn là, chính sách tài chính tín dụng BĐSlỏng lẻo, hạ chuẩn tín dụng BĐS một cách dễ dàng, chứng khoán hóa BĐS.

Năm là, thiếu sự kiểm soát và can thiệp kịp thời của Nhà nước trong quá trình quản lý hoạt động đầu tư, nhất là quản lý phát triển đô thị và quản lý thị trường địa ốc.

Đối chiếu các yếu tố trên với tình hình thị trường BĐS Việt Nam hiện nay cho thấy, khó có thể xảy ra tình trạng bong bóng nhà đất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta đang phục hồi bền vững, những cân đối lớn trong nền kinh tế giữ được mức độ ổn định và lạm phát tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra, thứ nữa nguồn cung BĐS trên tất cả các phân khúc đều rất đa dạng…

Song, diễn biến của thị trường BĐS là rất phức tạp và liên quan trọng yếu đến nhiều ngành kinh tế khác, do đó không thể chủ quan, cần chủ động dự báo trước các kịch bản có khả năng xảy ra cũng như giải pháp để đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững.

Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng giai đoạn tới vẫn là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở như đã nêu trong Chiến lược Phát triển Nhà ở quốc gia. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ thị trường địa ốc, kiên trì các giải pháp cấu trúc hợp lý thị trường BĐS, không được chủ quan để thị trường phát triển nóng và thiếu bền vững. Quan trọng nhất là cần hướng thị trường đi theo quan điểm mọi người dân đều phải có cho mình một mái ấm.

(Đầu tư chứng khoán)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm