. Dự án Sài Đồng (Hà Nội), khách. hàng tố chủ đầu tư vì chậm bàn giao nhà. Còn dự án tại Kiến Hưng đã hoàn. thành xong, nhưng không có khách đến nhận, một số người còn đòi trả lại. căn hộ..
Chủ đầu tư nhiều dự án nhà thu nhập thấp đang gặp không ít khó khăn. Ảnh minh họa: Anh Quân |
Khoảng 30 khách hàng mua nhà tại dự án nhà ở thu nhập thấp Sài Đồng (Gia
Lâm) vừa có đơn kiến nghị gửi lãnh đạo thành phố tố chủ đầu tư về việc
chậm bàn giao nhà. Dự án do Công ty cổ phần Xây dựng số 3 (Hanco3) là
chủ đầu tư.
Đại diện nhóm khách hàng cho biết, hồi tháng 7/2011 đã ký hợp đồng mua
bán nhà với chủ đầu tư. Thời gian bàn giao nhà ghi rõ là đến quý
II/2013. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa xong để bàn giao, thậm chí
gần 2 tháng nay chủ đầu tư đã dừng việc thi công.
Theo ông Lê Toàn Thắng, Giám đốc Hanco3, do điều kiện kỹ thuật phải điều
chỉnh lại thiết kế cho hệ thống phòng cháy chữa cháy nên đến ngày 31/12
tới mới có thể bàn giao căn hộ. Lãnh đạo Hanco3 cho rằng, đây là lý do
bất khả kháng buộc chủ đầu tư phải xin thay đổi thiết kế và phê duyệt
giá trị phát sinh. Do đó, một số hạng mục của tòa nhà bắt buộc phải thi
công sau khi hoàn thành hệ thống này.
Tuy nhiên, nhóm khách hàng cho rằng, một số tòa nhà cũng thuộc dự án
này, có điều kiện như nhau, cùng thiết kế nhưng do đơn vị khác làm chủ
đầu tư đã bàn giao vào tháng 4 và 5 vừa qua. "Hơn nữa hợp đồng cũng nêu,
nếu những hộ dân chậm nộp tiền sẽ phải chịu lãi suất tính theo mức trần
của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, để tạo sự công bằng giữa 2 bên mua và
bán, chúng tôi đề nghị Hanco3 cũng phải thực hiện điều khoản tương tự
đối với các hộ dân", đại diện nhóm khách hàng cho hay.
Trong khi đó, tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông), tuy đã
hoàn thành từ cuối năm 2012 nhiều khách hàng lại không chịu nhận bàn
giao căn hộ. Theo thông tin từ chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bê tông và
Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, hiện có khoảng 30 khách hàng làm đơn xin
trả lại nhà, thanh lý hợp đồng tại dự án Kiến Hưng. Trong đó, lãnh đạo
của đơn vị này cho biết, có 5 trường hợp đã được chủ đầu tư chấp thuận
thanh lý hợp đồng.
Ngoài ra, dự án còn khoảng 100 khách hàng chưa chịu nộp tiền và nhận bàn
giao nhà. Rất nhiều trong số này, vẫn còn nợ trên 500 triệu đồng, bằng
hơn một nửa giá trị hợp đồng.
Lãnh đạo Vinaconex Xuân Mai cũng cho biết, từ khi hoàn thành dự án đến
nay, chủ đầu tư đã "năm lần bảy lượt" có văn bản thông báo khách hàng
đến nộp tiền để nhận bàn giao, thậm chí, cử cán bộ đến tận nhà để thúc
giục khách mua nhà nhưng tình trạng không được cải thiện. Biết nhiều
khách hàng gặp khó khăn về tài chính nên chủ đầu tư sẵn sàng đứng ra bảo
lãnh để người mua nhà được vay vốn từ các ngân hàng với lãi suất thấp
nhưng đến nay, tòa nhà vẫn có hàng trăm căn hộ còn trống.
Trao đổi với Báo, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng
Việt Nam cho rằng phản ứng của khách hàng tại 2 dự án này tuy không
giống nhau nhưng về nguyên nhân sâu xa vẫn có một số điểm chung.
"Thị trường bất động sản liên tục giảm giá, khiến nhiều căn hộ thương
mại cũng có giá rẻ tương đương nhà thu nhập thấp mà nhiều người mua cách
đây vài năm. Do đó, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Nếu chủ đầu tư
không đáp ứng được về tiến độ, chất lượng hoặc giá cả, họ sẵn sàng gây
áp lực để rút tiền mua căn hộ thương mại", ông Liêm cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, trước đây để mua một căn hộ thu nhập thấp,
khách phải trải qua rất nhiều vòng "tuyển chọn". Nhưng hiện nay, nhà
thương mại giá cũng cạnh tranh nên căn hộ thu nhập thấp không còn là lựa
chọn sống còn nữa. "Do đó, gần đây, nhiều chủ đầu tư ồ ạt xin chuyển
đổi các dự án nhà thương mại thành nhà xã hội cũng cần phải cân nhắc kỹ,
tránh việc đầu tư ồ ạt nhưng lại không có khách mua", ông Liêm khuyến
cáo.
Theo VnExpress
(Nguồn sưu tầm)